Đắk Lắk chú trọng tái cơ cấu ngành nông nghiệp để xây dựng nông thôn mới
Nhờ liên kết sản xuất, xã viên của HTX Công Bằng Ea Kiết luôn bán được cà phê với giá cao, ổn định |
Chú trọng tái cơ cấu nông nghiệp
Trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng NTM, các cấp chính quyền tại Đắk Lắk luôn xác định, tái cơ cấu ngành nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt. Do đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành các nghị quyết, quyết định về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, định hướng đến năm 2020.
Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT đã tham mưu, ban hành các Kế hoạch, chương trình để triển khai thực hiện tái cơ cấu trên các lĩnh vực như: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, chế biến, thương mại nông lâm sản, tổ chức lại sản xuất…
Được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk, các sở ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Nhờ vậy, trong những năm qua, nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk đã có những dịch chuyển khả quan, trong đó có việc phát triển sản xuất hàng hóa năng suất cao, chất lượng tốt, tăng sức cạnh tranh, bền vững, an toàn và hiệu quả, gắn với hội nhập kinh tế quốc tế, được cải thiện.
Các lĩnh vực như sản xuất ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng có hiệu quả khoa học kỹ thuật, giống mới, đẩy nhanh thâm canh, tăng năng suất và hiệu quả trên cùng một diện tích canh tác đã được triển khai, mang lại hiệu quả.
Bên cạnh đó, các giải pháp tích cực để hạn chế ảnh hưởng của thiên tai và tập trung kiểm soát tốt dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi đã góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định và bền vững của toàn ngành nông nghiệp tại Đắk Lắk.
Ngoài ra, các ngành chức năng luôn quan tâm, bám sát cơ sở, kịp thời đề ra những giải pháp sát thực nhằm khắc phục khó khăn, thực thi có hiệu quả các nhiệm vụ của ngành theo các mục tiêu, Nghị quyết, chương trình, kế hoạch của tỉnh đã đề ra.
Từ những nỗ lực trên, đến nay, Đắk Lắk đã có hàng chục cơ sở được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên các loại sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi; hàng chục hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp các mặt hàng nông sản như: cà phê, ca cao, rau, lúa, nấm...; hàng trăm trang trại chăn nuôi liên kết với doanh nghiệp Công ty Cổ phần C.P Việt Nam theo hình thức nuôi gia công…
Nhiều HTX dệt thổ cẩm tại Đắk Lắk đang gặp khó khăn vì chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm |
Nhiều mô hình hiệu quả
Việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại Đắk Lắk đã thúc đẩy, tạo điều kiện để các HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả. Đến nay, những mô hình liên kết sản xuất đang phát triển mạnh, hoạt động có hiệu quả, giúp nông dân dần thoát khỏi tình trạng bấp bênh do tình trạng thất thường về giá nông sản.
Trước đây, HTX Mắc ca Tân Định (xã Đliê Ya, huyện Krông Năng) chỉ bán sản phẩm thô, giá thấp, chất lượng phập phù. Thế nhưng, hiện HTX này đã mạnh dạn nghiên cứu, chế tạo dây chuyền chế biến mắc ca với công suất 6 tấn/năm; sản xuất ra tinh dầu, rượu và một số sản phẩm khác từ mắc ca nhằm tăng thêm giá trị kinh tế của loại cây này. Đồng thời, HTX đã đảm bảo các quy trình sản xuất an toàn thực phẩm, tạo được thương hiệu riêng và đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.
Tương tự, HTX Công Bằng Ea Kiết (huyện Cư M'gar), đã liên kết với khoảng 100 xã viên cùng sản xuất cà phê theo hướng bền vững trên diện tích khoảng 200 ha. Với việc tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí về chất lượng, môi trường… sản phẩm cà phê nhân của HTX này được cấp chứng nhận “Thương mại công bằng” (Fairtrade) của Tổ chức quốc tế về dán nhãn Thương mại công bằng (FLO).
Cũng vì tạo được thương hiệu, sản phẩm cà phê của các xã viên trong HTX Công Bằng Ea Kiết luôn được bán ra cao hơn so với thị trường từ 2,2-2,5 triệu đồng/tấn, mỗi hộ thành viên sản xuất từ 2-2,5ha cà phê sẽ cho thu nhập tăng thêm từ 15-20 triệu đồng/năm.
Theo ông Vũ Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh Đắk Lắk, trong những năm qua, lãnh đạo tỉnh luôn chú trọng việc tái cơ cấu nông nghiệp trong quá trình xây dựng NTM.
Sở NN&PTNT đã chủ động đề nghị UBND tỉnh bố trí nguồn vốn trực tiếp để triển khai hơn 120 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm cho các xã, giúp nâng cao thu nhập cho các hộ dân trong giai đoạn 2018-2020.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số vướng mắc khi triển khai thực hiện việc này. Nhiều địa phương, người nông dân hiện vẫn sản xuất tự phát với các mô hình nhỏ lẻ, manh mún. Nhiều HTX vẫn loay hoay với việc kết nối thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm…
Cũng theo ông Đông, để phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững, người dân, các HTX, doanh nghiệp sản xuất khi tham gia chuỗi cần kết nối với những doanh nghiệp thu mua chính thống để hạn chế rủi ro. Trong quá trình sản xuất theo chuỗi có những khó khăn về mặt kỹ thuật, vốn, tiếp thị, thương mại thì cần tranh thủ các nguồn hỗ trợ của Nhà nước và cùng nhau tháo gỡ khó khăn.