“Đại gia” ô tô thất thu, ô tô “siết nợ” giá rẻ đắt hàng
'Đại gia' ngành ô tô thất thu trong tháng “Ngâu” thì xe ô tô thanh lý của ngân hàng giá “siêu rẻ” lại thu hút được sự quan tâm của thị trường.
Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 8/2020, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 20.655 xe, giảm 14% so với tháng 7/2020 và giảm 4% so với tháng 8/2019.
Doanh số này bao gồm: 15.419 xe du lịch; 4.966 xe thương mại và 270 xe chuyên dụng. So với tháng trước, doanh số xe du lịch giảm 12%; xe thương mại giảm 19% và xe chuyên dụng giảm 20%.
Cũng theo báo cáo từ VAMA, sản lượng của xe lắp ráp trong nước đạt 12.869 xe, giảm 20% so với tháng trước và số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 7.786 xe, giảm 2% so với tháng trước.
Luỹ kế đến hết tháng 8/2020, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 151.903 xe, giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, xe ô tô du lịch đạt doanh số 109.694 xe giảm 26%; xe thương mại đạt 39.787 xe giảm 22% và xe chuyên dụng đạt 2.422 xe giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về doanh số các hãng xe, trong tháng 8/2020, doanh số cả 3 hãng gồm Thaco, TC Motor và Toyota đều giảm mạnh dù chính sách kích cầu tiêu thụ giảm 50% lệ phí trước bạ đang được áp dụng.
Cụ thể, Thaco là thương hiệu tiêu thụ được nhiều xe nhất tháng 8 với 7.351 chiếc, tiếp đến là TC Motor với doanh số 5.367 xe được bán ra trong tháng, Toyota đứng ở vị trí thứ 3 với 4.259 chiếc (chưa kể Lexus). Ba hãng này cũng có số xe bán ra nhiều nhất 8 tháng đầu năm, với Thaco là 49.940 chiếc, TC Motor đạt 40.987 xe và Toyota là 34.743 chiếc (chưa kể Lexus).
Ở nhóm các nhà sản xuất ô tô có doanh số thấp hơn, Ford đang dẫn đầu với 2.005 xe được bán ra trong tháng 8 đứng ở vị trí thứ 4, tiếp theo là Mitsubishi ở vị trí thứ 5 với 1.714 xe, Honda trở lại "đường đua" sau khi ra mắt CR-V và đạt doanh số 1.634 xe trong tháng đạt vị trí thứ 6.
VinFast nhường chỗ cho Honda và tụt xuống vị trí thứ 7 với 1.494 xe và Suzuki bán được 1.226 xe ở vị trí thứ 8 và Isuzu đạt 679 xe xếp ở vị trí thứ 9 trong top những nhà sản xuất xe có doanh số cao nhất Việt Nam. Các hãng xe còn lại có doanh số không đáng kể khi chỉ đạt vài chục hoặc hơn 100 xe.
“Đại gia” ô tô thất thu, ô tô “siết nợ” giá rẻ đắt hàng (Ảnh minh họa) |
Nhân viên bán ô tô tại TP.HCM chia sẻ, lượng khách quan tâm và hỏi giá xe mới trong tháng 8 giảm rõ rệt so với thời điểm giữa tháng 6, đầu tháng 7.
"Từ khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trở lại, sức mua ô tô bị ảnh hưởng đáng kể bởi tâm lý dè chừng, cắt giảm chi tiêu của người dùng.
Tuy nhiên, từ khi Chính phủ ban hành chính sách kích cầu tiêu thụ giảm 50% lệ phí trước bạ, lượng khách mua xe đã tăng lên đáng kể. Nhưng bước sang tháng 8 trùng với tháng 7 âm lịch, người Việt thường có quan điểm hạn chế mua sắm nên doanh số nhiều hãng xe sụt giảm", nhân viên này cho hay.
Bước sang tháng 9, các hãng xe tiếp tục đưa ra chương trình ưu đãi hấp dẫn để kích thích sức mua của người tiêu dùng.
Chẳng hạn, VinFast đang tiếp tục triển khai chương trình "Vạn quà tri ân – Tin yêu lan tỏa", dành tặng các voucher tri ân có trị giá 80 triệu đồng để mua xe Lux A2.0 và 120 triệu đồng để mua Lux SA2.0 cho các khách hàng đã sở hữu xe VinFast. Khách hàng có thể cho, tặng, chuyển nhượng voucher này cho người thân hoặc sử dụng để mua thêm xe cho bản thân.
Nếu nói về giảm giá, các mẫu xe thuộc thương hiệu BMW đang tỏ ra "chi bạo" khi đồng loạt giảm giá với mức giảm từ 20-810 triệu đồng. Dòng xe BMW X1 giá bán rẻ hơn 107 triệu đồng so với tháng trước. Dòng xe BMW X2 giảm giá 270 đến 310 triệu đồng. Dòng xe X3 giảm 250 đến 330 triệu đồng, BMW X4 giảm giá 160 triệu đồng.
Ford đang tích cực chạy chương trình khuyến mãi cho hầu hết các dòng xe của mình với mức giá giao động từ 25 – 80 triệu đồng/chiếc, đi kèm với đó là nhiều ưu đãi về hỗ trợ thuế trước bạ và gói bảo hành cao cấp.
TC MOTOR cũng tham giảm giá khi thực hiện chương trình khuyến mại dành cho 3 mẫu xe Hyundai Grand i10 Sedan, KONA và Elantra với mức ưu đãi lên đến 20 triệu đồng/chiếc.
Trong khi giá xe ô tô đã giảm đáng kể trong thời gian qua, lãi suất cho vay mua xe ô tô cũng đang ở vùng đáy của hơn 10 năm trở lại đây nhưng về tổng thể các "đại gia" ngành ô tô khó tránh được tình trạng thất thu trong tháng "Ngâu".
Ngược lại, các dòng xe thanh lý của ngân hàng với giá rẻ lại đang thu hút sự quan tâm của thị trường trong thời gian gần đây.
Xe ô tô mà các ngân hàng thanh lý thường là xe thu hồi từ những người vay ngân hàng dùng chiếc xe đó làm tài sản thế chấp.
Ngân hàng sẽ bán thanh lý các xe này để thu lại một phần hoặc toàn bộ khoản nợ mà khách hàng không thể trả. Và các xe này thường có giá hợp lý hơn do xe Ngân hàng thanh lý được bán nguyên trạng, khách mua có thể tự sửa chữa, nâng cấp theo nhu cầu.
Đáng nói, khi mua xe thanh lý, theo đại diện các ngân hàng, hiện nay hầu như các ngân hàng đều cho vay mua xe ô tô cũ, bao gồm cả xe thanh lý ngân hàng. Chẳng hạn như ở VIB, khi khách hàng có nhu cầu thì cán bộ ngân hàng sẽ tư vấn và hỗ trợ cụ thể với lãi suất ưu đãi và thủ tục khá dễ dàng.
Thậm chí, trường hợp khách mua gặp khó khăn trong quá trình thực hiện thủ tục sang tên do cách hiểu của từng địa phương mà thủ tục sang tên sẽ cần thêm một số hồ sơ bổ sung thì ngân hàng sẽ đồng hành cùng khách mua để xử lý đến khi hoàn tất. Chính vì vậy, ô tô do ngân hàng "siết nợ" có tính thanh khoản cao.
"Xe hơi là nhóm tài sản có thanh khoản rất tốt và thường được ngân hàng xử lý dễ dàng khi đã thu giữ. Mức giá các ngân hàng đưa ra cũng "mềm" so với trước đây, thậm chí chỉ hơn 20 triệu – 30 triệu đã có thể "tậu" xe thanh lý.
Lượng khách hàng tham gia đấu giá tháng 8 cũng tăng thêm 10-20%. Nhiều dòng xe đều được thanh lý ngay trong lần mở bán đầu tiên", giám đốc khối xử lý nợ tại một ngân hàng lớn thông tin thêm.
Ôtô nhập tràn về, giá vẫn chưa giảm
Sức tiêu thụ kém nhưng ôtô nhập khẩu vẫn tăng do nhiều nhà máy trên thế giới bắt đầu trả nợ đơn hàng bị ngưng trệ từ đợt dịch bệnh bùng phát hồi đầu năm
Theo Dân Việt