Đại biểu quốc hội lên tiếng về thông tin nước mắm nhiễm arsen
![]() |
Mời chuyên gia vào cuộc thẩm định
Bên lề phiên họp Quốc hội hôm nay (21/10), nhiều đại biểu quốc hội đã lên tiếng trước thông tin nước mắm nhiễm Arsen.
Theo đó, ông Nguyễn Thanh Nghị, Bí thư tỉnh Kiên Giang cho biết, trước thông tin này, Tỉnh ủy Kiên Giang đã chỉ đạo UBND tỉnh làm việc với các sở ngành như Hội Khoa học Kỹ thuật, Hiệp hội nước mắm Phú Quốc.
Đây là sản phẩm rất nổi tiếng của Kiên Giang, được hỗ trợ, bảo hộ, chỉ dẫn, xử lý của Liên minh Châu Âu.
Cơ quan chức năng cùng Hiệp hội nước mắm Phú Quốc sẽ có phản hồi chính thức về vấn đề này đồng thời cũng sẽ đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc.
Tới đây, Kiên Giang sẽ chủ động mời các nhà khoa học vào cuộc, đối chứng với thông tin vừa được công bố.
Trong khi đó, ông Lê Xuân Thân, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa, Trưởng đoàn Đại biểu QH Khánh Hòa cũng cho biết: "Với việc công bố thông tin như vậy, chúng ta phải xem lại việc cơ quan công bố thông tin đó có thẩm quyền như thế nào? Công bố có rõ ràng hay không?
Hiện giờ người dân đang hoang mang. Những người làm nước mắm ở Nha Trang hay tại Khánh Hòa có rất nhiều. Đặc biệt là nước mắm truyền thống, có những thương hiệu đã được khẳng định từ trước đến nay.
Bây giờ trước một thông tin không rõ ràng về vấn đề thạch tín, arsen trong nước mắm ảnh hưởng lớn tới người sản xuất và người tiêu dùng, cần thiết phải có cơ quan chức năng vào cuộc ngay để thẩm định và xem lại toàn bộ mọi công bố đó.
Để đảm bảo cho người dân và người tiêu dùng, chính Hội bảo vệ người tiêu dùng cũng phải vào cuộc sự việc này.
Nếu công bố không rõ ràng sẽ gây sự nhầm lẫn, bởi nghe tới thạch tín người dân sẽ phải sợ. Bất kể cơ quan nào, hiệp hội, tổ chức hay cá nhân nào công bố thông tin đó sẽ phải có trách nhiệm về việc rõ ràng, minh bạch về thông tin, đặc biệt là phải có thẩm quyền”.
Không nên kết luận vội vàng
Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh (Đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh) cho rằng, không nên vì những vấn đề cạnh tranh không lành mạnh, hoặc một lý do nào đó mà kết luận quá vội vàng, vì điều đó có thể giết chết cả một ngành công nghiệp truyền thống.
Sản xuất nước mắm cũng giống như dược liệu, tại các nhà thùng nước mắm trên cả nước đều có những quy định và chuẩn hóa riêng, từ nhãn hiệu, nguồn gốc, xuất xứ và thành phần rõ ràng.
Ở góc độ chuyên môn, bà Lan nhận thấy, chỉ có cơ quan Quản lý nhà nước mới là đơn vị chính thống để tổng hợp tất cả các thông tin và có những quyết định cảnh báo, bảo vệ người tiêu dùng.
"Đương nhiên trong thực tế cũng có những trường hợp, những hành động, những cảnh báo này đôi khi bị chậm, không theo kịp. Nhưng nếu chậm thì cần khắc phục và làm mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và nhanh hơn. Còn vai trò của các Hội cũng rất quan trọng và đều là kênh thông tin.
Nếu tôi là thành viên của Hội đó, khi có những thông tin như vậy thì tôi sẽ gửi đến cơ quan chức năng và sau đó nếu có phát ngôn cũng cần hết sức thận trọng để phản ánh đúng sự thật!" - Bà Phạm Khánh Phong Lan cho hay.
“Bản thân tôi cũng làm công tác quản lý về y học cổ truyền với dược liệu, nếu như chúng ta cứ máy móc áp dụng những tiêu chuẩn của tây y vào để đánh giá và xử lý đông y thì đó cũng là một sự khập khiễng. Cần phải có sự hài hòa.
Tôi cũng theo quan điểm của các nhà khoa học, sẽ là vội vàng nếu đánh giá hàm lượng Asen tổng để cho rằng nước mắm truyền thống độc hại. Làm như vậy là chưa đúng” – bà Lan khẳng định.
Theo đó, bà Lan nhấn mạnh, không xới lên vấn đề thì thôi, nhưng khi đã xới rồi thì đây nó cũng là một sự kiện và cú hích đề nghị cơ quan quản lý nhà nước-mà ở đây là Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm, phải có động thái quyết liệt, nhanh hơn và có câu trả lời chính thức để người dân an tâm, sử dụng sản phẩm nào là an toàn.