Đặc công Việt Nam - Cái tên đã vượt ra ngoài lãnh thổ
Bộ đội Đặc công Việt Nam với lịch sử oai hùng bắt đầu từ giữa cuộc kháng chiến chống Pháp, rồi tới Mỹ và các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc sau này đã trở thành một huyền thoại. Bắt đầu từ những trận “công đồn đặc biệt” đã sinh ra những chiến sĩ đặc công và họ đã trở thành một binh chủng chiến đấu lớn mạnh như hôm nay trong đội hình binh chủng hợp thành của Quân đội ta.
Điều gì khiến họ đặc biệt khiến kẻ thù khiếp sợ?
Cái gì đã khiến cho kẻ thù khiếp sợ họ đến vậy? Cái gì khiến những lực lượng đặc nhiệm hàng đầu thế giới cũng phải đến học hỏi? Cái gì khiến họ trở thành đặc biệt?
Lực lượng đặc công Việt Nam tham gia diễu duyệt đội ngũ. Ảnh Zing.vn |
Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam trong mục từ “Đặc công” đã viết về lực lượng này như sau: “lực lượng đặc biệt tinh nhuệ được tổ chức, trang bị và huấn luyện đặc biệt…”. Định nghĩa này đã khái quát đầy đủ những điểm đặc biệt của Bộ đội Đặc công Việt Nam.
Trước hết, đây là một lực lượng đặc biệt, gồm những chiến sĩ đặc biệt tinh nhuệ, tinh nhuệ từ bản lĩnh chính trị đến kỹ chiến thuật đặc công, tinh nhuệ từ thể lực, võ thuật đến bắn súng, phóng dao…
Trang bị của đặc công Việt Nam khác với các lực lượng đặc nhiệm trên thế giới là rất gọn nhẹ, thường chỉ là vũ khí cá nhân. Bù vào đó, họ lại được huấn luyện rất đặc biệt để có thể tận dụng mọi thứ quanh mình sử dụng làm trang bị.
Các chiến sĩ đặc công huấn luyện ngụy trang và võ thuật.
Lực lượng đặc công trong Quân đội Nhân dân Việt Nam được tổ chức đặc biệt, từ cấp chiến lược đến cấp chiến dịch, chiến thuật, từ quy mô Binh chủng trực thuộc Bộ Quốc phòng đến các tổ, mũi đặc công trong các đơn vị bộ đội địa phương và dân quân tự vệ.
Ở đâu cũng có Bộ đội Đặc công, từ trên rừng đến đồng bằng và đô thị, trên đất liền và ngoài biển cả, trong lòng nước và sâu dưới nước đều có những chiến sĩ đặc công.
Về hình thức tổ chức, lực lượng đặc công Việt Nam được chia thành đặc công chủ lực và đặc công địa phương.
Lực lượng đặc công Việt Nam tham gia phối hợp diễn tập chống khủng bố tại Singapore |
Đặc công chủ lực là các đơn vị trực thuộc Bộ, quân khu, Quân chủng Hải quân; làm nhiệm vụ cơ động tác chiến trên bộ, các vùng biển, đảo, sông lớn,… nhằm đánh phá hoặc đánh chiếm những mục tiêu quan trọng, vào thời điểm quan trọng của các chiến dịch.
Lực lượng này có khả năng tác chiến độc lập hoặc hiệp đồng với các quân chủng và binh chủng như một bộ phận của binh chủng hợp thành.
Đặc công địa phương là cách gọi chung các đơn vị đặc công thuộc bộ đội địa phương và dân quân tự vệ; một lực lượng tác chiến thường xuyên, rộng khắp và đánh nhỏ lẻ đạt hiệu suất cao trong chiến tranh nhân dân.
Đặc công địa phương chủ yếu hoạt động trong địa bàn địa phương, khi cần có thể tác chiến ngoài địa phương và tác chiến hiệp đồng trong khu vực phòng thủ.
Làm nhiệm vụ phối hợp tác chiến với bộ đội địa phương và dân quân tự vệ tiêu diệt lực lượng địch, phá hủy những mục tiêu quan trọng, bảo vệ địa phương.
Về môi trường tác chiến, lực lượng đặc công Việt Nam được chia thành đặc công bộ, đặc công nước và đặc công người nhái. Đặc công bộ được huấn luyện và trang bị vũ khí chuyên dùng để tiến công những mục tiêu hiểm yếu của địch trên đất liền.
Đặc công bộ được tổ chức thành tổ, mũi, đội, liên đội, tiểu đoàn, lữ đoàn trong bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ.
Nhiệm vụ chủ yếu của đặc công bộ là tiêu diệt sinh lực quan trọng, đánh phá đầu mối giao thông, cơ sở vật chất kỹ thuật, phương tiện chiến tranh của đối phương... Đặc công bộ có khả năng tác chiến độc lập hoặc tác chiến hiệp đồng binh chủng.
Lực lượng đặc công Rừng Sác trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước |
Đặc công nước được huấn luyện và trang bị vũ khí, khí tài chuyên dùng để tiến công những mục tiêu của địch ở biển, sông, hải đảo, bờ biển, căn cứ hải quân (tàu thuyền neo đậu, cầu cống, các thiết bị bến cảng, kho tàng...).
Đặc công nước thuộc Bộ và Quân chủng Hải quân tổ chức đến binh đội ; ở quân khu, tỉnh, huyện (có sông lớn, biển) tùy theo yêu cầu nhiệm vụ và khả năng để tổ chức các đơn vị cấp phân đội.
Đặc công nước thường tác chiến độc lập, cũng có thể tác chiến hiệp đồng binh chủng ở quy mô nhỏ và vừa. Phương pháp tác chiến chủ yếu là phá hủy bí mật, tập kích bí mật.
Đặc công nhái là đặc công nước tác chiến trên biển xa. Đặc công nhái được trang bị khí tài bơi lặn hiện đại, có khả năng lặn sâu và hoạt động xa bờ.
Đặc công người nhái. Ảnh: Thanhnien.vn |
Về phạm vi hoạt động, lực lượng đặc công Việt Nam có đặc công cơ động, đặc công căn cứ, đặc công biệt động.
Đặc công cơ động là lực lượng đặc công trực thuộc Bộ, chỉ huy trực tiếp là Binh chủng Đặc công và Quân chủng Hải quân làm nhiệm vụ chiến đấu cơ động trên các chiến trường.
Đặc công căn cứ là lực lượng được ém (giấu) sẵn ở địa bàn được xác định gần căn cứ địch, để bám đánh những mục tiêu quan trọng của đối phương (sân bay, bến cảng, kho tàng...) trên địa bàn có ý nghĩa chiến lược, chiến dịch.
Trên cơ sở trinh sát nắm chắc mục tiêu (lực lượng, phương tiện, bố trí, hoạt động...) và có nhiều phương án tác chiến được chuẩn bị sẵn, đặc công căn cứ thực hành tiến công khi có thời cơ, hoặc theo yêu cầu phối hợp của chiến trường.
Lực lượng này còn có tên gọi là đặc công chuyên trách.
Đặc công biệt động hoặc còn gọi là biệt động là lực lượng đặc công hoạt động và tác chiến ở địa bàn thành thị (thành phố, thị xã) do đối phương kiểm soát.
Lực lượng này chủ yếu tiến công những mục tiêu đặc biệt quan trọng (cơ quan đầu não, câu lạc bộ sĩ quan, trại giam, cơ sở kinh tế - quốc phòng...).
Đặc công biệt động bao gồm các tổ, đội, đoàn, được tổ chức theo nguyên tắc ngăn cách bí mật, bố trí hợp pháp, trang bị vũ khí gọn, nhẹ, thường tác chiến theo phương pháp tập kích hóa trang, đánh nổ hẹn giờ hóa trang.
Hiện nay, trong tình hình mới, đặc công biệt động còn được giao nhiêm vụ là lực lượng đặc nhiệm chuyên trách chống khủng bố.
Xe nâng phóng thang cơ động dùng đột kích nhà cao tầng, máy bay.
Đặc công Việt Nam giống và khác gì với các lực lượng tương tự trên thế giới?
Vậy đặc công Việt Nam và các lực lượng đặc biệt, đặc nhiệm khác trên thế giới có gì giống và khác nhau? Về con người, đặc công Việt Nam cũng giống như tất cả các lực lượng đặc nhiệm khác đều có tiêu chí tuyển chọn đặc biệt khắt khe.
Những chiến sĩ được chọn đều có nền tảng thể lực, thể hình tốt, phản ứng đặc biệt tinh nhạy và được đào tạo những kỹ, chiến thuật đặc biệt.
Về trang bị, để làm những nhiệm vụ đặc biệt nên cả đặc công Việt Nam và đặc nhiệm các nước đều được trang bị những vũ khí đặc biệt, chúng phải đạt yêu cầu: gọn nhẹ, bí mật và chính xác.
Điều khiến đặc công Việt Nam khác biệt hẳn so với các lực lượng đặc nhiệm khác trên thế giới có lẽ nằm ở cách sử dụng lực lượng.
Trong khi binh sĩ thuộc các lực lượng đặc nhiệm của các quốc gia khác được tuyển chọn khắt khe, đào tạo khắc nghiệt và được sử dụng như một “lưỡi dao găm”, đánh hiểm và thắng hiểm thì đặc công Việt Nam lại được coi như một “khối thuốc nổ”, đánh hiểm mà thắng lớn.
Chưa có lực lượng đặc biệt nào trên thế giới đã trải qua hàng chục nghìn trận đánh trên khắp các địa hình từ rừng núi, hải đảo đến đô thị, trong nhiều môi trường địa lý từ trên bộ, dưới nước đến sâu trong lòng nước, cả trong nước và ở xa đất nước như đặc công Việt Nam.
Tổ đặc công thực hành huấn luyện bắn tỉa.
Cũng chưa có lực lượng đặc nhiệm nào trên thế giới gây ra cho đối phương nhiều thiệt hại như đặc công Việt Nam.
Chỉ tính riêng trong kháng chiến chống Mỹ, đặc công Việt Nam đã lập nhiều chiến công lớn:
"Tiêu diệt hàng trăm sở chỉ huy các cấp, phá hủy và phá hỏng hàng nghìn máy bay các loại, 1.600 khẩu pháo, 30 giàn tên lửa, 9.000 xe quân sự, 2,7 triệu tấn bom đạn, 600 triệu lít xăng dầu, đánh chìm, đánh hỏng 400 tàu, xuồng chiến đấu".
Với bề dày truyền thống, với cách đánh đặc trưng Việt Nam, với phương châm tác chiến bí mật, bất ngờ, mưu trí, linh hoạt, Bộ đội đặc công Việt Nam - những chiến sĩ “lai vô ảnh, khứ vô hình” sẽ vẫn mãi là nỗi khiếp sợ của bất kỳ kẻ thù nào.
Theo Trí thức trẻ