Đà Nẵng ban hành quy định mới về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước
Quy định về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn TP Đà Nẵng có hiệu lực từ ngày 15/7 sẽ cụ thể hóa trách nhiệm quản lý tài nguyên nước đối với các của các sở, ban, ngành và tổ chức, cá nhân có liên quan.
Ngày 13/7, Sở TN-MT Đà Nẵng cho hay, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ vừa ký Quyết định 20/2020/QĐ-UBND ban hành Quy định về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Theo đó, Quyết định 20/2020/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng được ban hành ngày 6/7 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/7 nhằm điều chỉnh các hoạt động về quản lý, bảo vệ, cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước và hành nghề khoan nước dưới đất, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Đà Nẵng sẽ siết chặt việc khai thác nước dưới đất. (Ảnh: HC) |
Bà Đặng Nguyễn Thục Anh, Phó Trưởng phòng Khoáng sản và Tài nguyên nước (Sở TN-MT Đà Nẵng) cho hay, nội dung cơ bản của Quy định quản lý, bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn TP Đà Nẵng (ban hành theo Quyết định 20/2020/QĐ-UBND) được kết cấu gồm 6 chương và 15 điều.
Bà Đặng Nguyễn Thục Anh cũng nêu rõ, tại quy định ban hành lần này đã cụ thể hóa trách nhiệm quản lý tài nguyên nước đối với các của các sở, ban, ngành và tổ chức, cá nhân có liên quan. Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sinh sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước phải bảo đảm các yêu cầu theo quy định tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định số 43/2015/NĐ-CP.
Tổ chức, cá nhân có giếng khoan khai thác nước dưới đất cho hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ với quy mô không vượt quá 10m3/ngày đêm; khai thác nước dưới đất cho sinh hoạt của hộ gia đình; cho các hoạt động văn hóa, tôn giáo, nghiên cứu khoa học nằm trong khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất và có chiều sâu giếng khoan lớn hơn 20m phải thực hiện việc đăng ký khai thác nước dưới đất.
UBND cấp xã được giao thẩm quyền đăng ký khai thác nước dưới đất cho các tổ chức, cá nhân có giếng khoan khai thác nước dưới đất cho mục đích kinh doanh, dịch vụ với quy mô không vượt quá 10 m3/ngày đêm; giếng khoan khai thác nước dưới đất cho sinh hoạt của hộ gia đình, cho các hoạt động văn hóa, tôn giáo, nghiên cứu khoa học nằm trong các khu vực quy định phải đăng ký khai thác nước dưới đất và có chiều sâu lớn hơn 20 m thuộc địa bàn quản lý.
UBND cấp huyện tổ chức đăng ký cho các tổ chức, cá nhân có giếng khoan khai thác nước dưới đất cho hoạt động sản xuất và các trường hợp khác theo quy định thuộc địa bàn quản lý với quy mô không vượt quá 10 m3/ngày đêm nằm trong các khu vực quy định phải đăng ký khai thác nước dưới đất và có chiều sâu lớn hơn 20 m.
Đồng thời, UBND cấp huyện nơi có công trình khai thác nước phục vụ cho mục đích cấp nước sinh hoạt cũng được giao trách nhiệm lập kế hoạch kiểm tra, giám sát các hoạt động trong vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trên địa bàn, gửi Sở TN-MT tổng hợp, báo cáo UBND TP xem xét, phê duyệt.
“Đặc biệt, TP sẽ tiến đến siết chặt, hạn chế cấp phép khai thác nước dưới đất sau năm 2021 khi Sở TN-MT hoàn thành việc khoanh định, công bố danh mục, bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và lập phương án tổ chức thực hiện việc hạn chế khai thác trên địa bàn TP!” – Bà Đặng Nguyễn Thục Anh nhấn mạnh.
Quy định quản lý, bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn TP Đà Nẵng ban hành theo Quyết định 20/2020/QĐ-UBND (ngày 6/7) của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng sẽ thay thế Quyết định 40/2014/QĐ-UBND (ngày 13/11/2014) của UBND TP Đà Nẵng quy định về quản lý, hoạt động tài nguyên nước trên địa bàn TP và Quyết định 20/2016/QĐ-UBND (ngày 13/6/2016) của UBND TP Đà Nẵng về sửa đổi khoản 2, Điều 8 quy định về quản lý hoạt động tài nguyên nước trên địa bàn TP ban hành kèm theo Quyết định 40/2014/QĐ-UBND của UBND TP Đà Nẵng.
Hải Châu