Đã đến lúc Mỹ ngăn chặn Trung Quốc trên Biển Đông
Trong đó, Trung Quốc là quốc gia bành trướng thế lực nhất với khẳng định phần lớn lãnh thổ Biển Đông thuộc về mình. Bắc Kinh cũng đã cho xây dựng nhiều hòn đảo nhân tạo ở khu vực này cũng như lắp đặt các cơ sở quân sự gắn radar.
Trước hành động leo thang đó của Trung Quốc, các quốc gia Đông Nam Á đã bày tỏ sự tức giận, thất vọng đối với lối hành xử này. Tuy nhiên, cho đến nay, không có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh sẽ nhún nhường bất kỳ một quốc gia nào trong khu vực ASEAN, bao gồm Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Brunei và Philippines.
Các nhà phân tích cho rằng một quốc gia duy nhất có thể kìm hãm được Trung Quốc, đó là Mỹ. Tuy nhiên, theo quan điểm của Bắc Kinh, Washington không nên “chõ mũi” vào chuyện của một khu vực nằm cách xa nước này, bất chấp việc Mỹ cũng có những lợi ích nhất định ở Biển Đông.
Đối với Bắc Kinh, việc Washington duy trì sự hiện diện quân sự ở Biển Đông là một hành động khiêu khích, làm mất ổn định và không hợp pháp. Một vị giáo sư Trung Quốc gần đây đã phát biểu trong một hội nghị ở Washington rằng Mỹ đang hành xử giống như một “ông trùm xã hội đen” ở Biển Đông.
Mỹ cần tìm ra một chiến lược để ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông. |
Trung Quốc vẫn ngang nhiên cho mình quyền lèo lái con thuyền và cho Mỹ một quyền lựa chọn duy nhất, đó là chấp nhận chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông và gìn giữ hòa khí trong mối quan hệ Trung-Mỹ hoặc sẽ phải trả giá và đối mặt với nguy cơ cao nếu thách thức tham vọng của nước này.
Tuy nhiên, dù có hiểu hay không hiểu thông điệp của Trung Quốc, chính quyền Obama vẫn lựa chọn phương án sau để tái cân bằng chính sách xoay trục sang châu Á.
Từ lúc chủ trương xoay trục của Mỹ được công bố bởi cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, gánh nặng thực sự đặt lên vai của Lầu Năm góc, mà cụ thể hơn là Sở chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ.
Cho đến nay, cũng có nhiều sáng kiến quan trọng nhưng khá đơn giản được đưa ra: cử một số tàu chiến ven biển tới Singapore, một số lính thủy đánh bộ tới Darwin (Australia) và cam kết triển khai lực lượng Hải quân Mỹ tới Thái Bình Dương với các trang thiết bị hiện đại nhất. Một mô hình triển khai hoạt động mới, được gọi là trận chiến Hải Không, đang trong quá trình phát triển nhưng đến giờ phần lớn vẫn chỉ trên giấy tờ.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Ashton Carter tuyên bố việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông sẽ không ngăn cản được các lực lượng Hoa Kỳ tham gia tuần tra và triển khai quân ở khu vực này như họ vẫn làm. Nói một cách khác, “những hòn đảo mới” không có chỗ đứng như một vùng lãnh thổ có chủ quyền hay một khu vực kinh tế theo luật quốc tế.
Điều còn thiếu cho đến nay là Mỹ cần thiết kế một chiến lược quân sự ngăn chặn sự bành trước của Trung Quốc ở Biển Đông. Chiến lược đó cần bắt đầu bằng một sự xác nhận quả quyết rằng khu vực Biển Đông cần được bảo vệ như một vùng lợi ích chung toàn cầu và bảo đảm không chịu bất kỳ một sự ép buộc nào. Dưới đây là một số giả thiết có thể áp dụng cho chiến lược hỗ trợ Biển Đông của Hoa Kỳ:
- Các lực lượng Thái Bình Dương của Mỹ cần duy trì sự hiện diện 24/24 ở Biển Đông. Như Bộ trưởng Carter đã nói, họ cần triển khai quân mà không cần để ý đến tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.
- Mỹ và Philippines cần cân nhắc đến một hiệp định cho phép Mỹ cử đoàn hộ tống các tàu của Philippines, cung cấp sự sống tới các hòn đảo ở Biển Đông.
- Đề xuất một chương trình tuần tra không quân và hải quân chung cùng các đồng minh, các đối tác an ninh trên khắp khu vực Biển Đông.
- Bàn bạc với Manila về việc xây dựng các cơ sở hải quân và không quân của Mỹ ở đảo Palawan trên vùng Biển Đông.
- Thảo luận với Hà Nội về việc tăng cường sự hiện diện thường xuyên và tăng số lần tàu chiến Mỹ tới thăm Vịnh Cam Ranh.
- Thảo luận với Malaysia và Việt Nam về khả năng cho phép Mỹ liên lạc với một số tiền đồn ở Biển Đông.
- Thiết lập một nhóm hoạt động ASEAN-Mỹ về vấn đề Biển Đông bên cạnh các cuộc họp giữa các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và Mỹ.
- Hình thành một chương trình đa phương (gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và có thể cả Hàn Quốc) nhằm tăng cường năng lực của các quốc gia Đông Nam Á và để duy trì nhận thức về chủ quyền cũng như sự hiện diện của một lực lượng cảnh sát/ bảo vệ bờ biển ở Biển Đông.
Tất cả những biện pháp trên đều có chung một mục đích, đó là thiết lập một sức mạnh đủ lớn để buộc Trung Quốc nhìn nhận Biển Đông như một thách thức về luật pháp và ngoại giao, chứ không chỉ đơn thuần là một đấu trường để bành trướng quân sự.
Bài viết của Tiến sĩ Marvin C.Ott, giáo sư trợ giảng tại Đại học Johns Hopkins, học giả cao cấp tại Trung tâm Woodrow Wilson và là cựu giáo sư tại Viện Chiến lược An ninh quốc gia Mỹ.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.