Cuồng yêu, nghiện 'chuyện ấy', nữ sinh viên năm thứ hai nhập viện
TS Trịnh Thanh Hương – Phòng tâm lý lâm sàng, Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia cho biết chứng cuồng dâm có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có những trường hợp bị tổn thương tâm lý khi còn nhỏ nên lớn lên có suy nghĩ lệch lạc về tình dục.
TS Hương từng điều trị cho một nữ sinh viên năm thứ 2 tên N.M.C. trú tại Hà Nội có xu hướng quan hệ tình dục vô độ. Bệnh nhân nữ tới khám trong tình trạng lo lắng, mệt mỏi. Dù mới 20 tuổi nhưng cô gái lo lắng vì thấy bản thân mình có nhu cầu cao hơn các bạn bè khác.
Cả ngày cô gái chỉ nghĩ tới tình dục và luôn tìm kiếm người khác giới để có thể thỏa mãn nhu cầu của mình. Thậm chí, cô gái có thể quan hệ ngày 2, 3 lần.
Dù cố gắng “cai”, kìm chế bản thân nhưng không thành công. Sau đó, C. tìm tới bác sĩ với mong muốn chữa bệnh. C. luôn thấy xấu hổ vì hành vi cuồng 'chuyện ấy' của mình. Cô gái còn lo lắng tự hỏi mình có vấn đề về đạo đức hay không?
Khi khám và tiếp xúc với bệnh nhân, TS Hương cho biết bệnh nhân này có suy nghĩ lệch lạc về tình dục. Cô gái cũng thừa nhận lúc nào cũng nghĩ tới chuyện ấy và luôn thấy thiếu nếu không được “yêu”.
Nguyên nhân, bác sĩ không nhận thấy có tổn thương thực thể nào. Trò chuyện cùng với bệnh nhân rất lâu, TS Hương mới biết cô gái này từng bị lạm dụng tình dục. Vì bị lạm dụng nhiều lần nên C. bất cần trong tình dục và có xu hướng lệch lạc, nhìn nhận vấn đề tình dục khác các bạn cùng trang lứa.
Theo TS Hương, cuồng dâm không phải là vấn đề về đạo đức mà nó được xem là bệnh lý. Nữ sinh viên này phải điều trị kéo dài suốt 6 tháng. Hiện bản thân cô ít nghĩ về tình dục hơn trước, cần thời gian rất dài để cô gái thay đổi.
Theo TS . BS Nguyễn Thị Phương Mai – Phó Trưởng phòng điều trị các rối loạn stress và Sức khoẻ tình dục – Viện Sức khoẻ tâm thần, cho rằng những người bị nghiện tình dục có nhiều nguyên nhân khác nhau. Các nghiên cứu chỉ ra rằng dopamine và serotonin được coi là đóng vai trò trung tâm trong sinh bệnh học của các rối loạn giải tỏa bản năng tình dục, loạn dục, cuồng dâm.
Ngoài ra, cũng do các hormone. Ở bệnh nhân cuồng dâm, nồng độ LH tăng cao đáng kể khi đáp ứng với GnRH, trong khi đó nồng độ nền của LH và testosterone không thay đổi. Điều này gợi ý sự rối loạn của trục hạ đồi - tuyến yên- sinh dục.
Có những yếu tố sinh học khác liên quan đến cuồng dâm như những thay đổi trong thời kỳ tiền kinh nguyệt và việc tiếp xúc với các hormone gây hưng phấn trong thời thơ ấu hoặc trong tử cung.
Một số yếu tố khác do tâm lý của người bệnh, những người từng bị lạm dụng tình dục, ám ảnh tình dục. Nghiên cứu gần đây cho thấy những người có hành vi cuồng dâm trải qua ham muốn tình dục thường xuyên hơn và nhiều hơn khi tiếp xúc với các kích thích tình dục, và sự hoạt động nhiều hơn được quan sát thấy ở vùng nhân đuôi, thùy đỉnh dưới, vỏ não hồi đai trước, đồi thị
Các biểu hiện của chứng cuồng chuyện ấy, người bệnh luôn có cảm giác, ham muốn mãnh liệt về tình dục dù họ mới quan hệ hoặc đã quan hệ tình dục trong thời gian ngắn trước đó.
Tần suất quan hệ dày đặc hơn và thời gian quan hệ lâu hơn so với người bình thường. Họ ít khi có cảm giác thỏa mãn khi quan hệ dù đã đạt được khoái cảm. Liên tục khao khát thậm chí là bị ám ảnh về nhu cầu quan hệ.
Trong một vài trường hợp, người bệnh có thể bị ảnh hưởng tới mức liên tục suy nghĩ và lên kế hoạch để tìm kiếm hay thực hiện quan hệ tình dục với các đối tượng khác nhau.
Khi bị nghiện tình dục, bệnh nhân có thể suy kiệt cơ thể và sức khỏe do tần suất quan hệ hay thủ dâm quá lớn. Về dài lâu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng sinh lý - tình dục của người bệnh.
Bệnh lý khiến người bệnh khó tập trung vào công việc, dễ bị phân tâm. Từ đó, gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống hàng ngày.
Vì vậy, TS Hương khuyến cáo, nếu có các dấu hiệu trên bạn nên đến khám tại các chuyên khoa tâm lý, tâm thần để được bác sĩ hỗ trợ, chẩn đoán và điều trị đúng.
K.Chi