Covid-19 tác động tới an ninh lương thực của ASEAN
Hội nghị Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp ASEAN lần thứ 44 diễn ra theo hình thức trực tuyến vào ngày 26/10 do chính phủ Lào đăng cai chủ trì. Phía Việt Nam, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan tham dự.
Theo Borneo Bulletin, các Bộ trưởng ASEAN đã bày tỏ mối quan ngại về tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với các ngành thực phẩm, nông nghiệp và lâm nghiệp, cũng như khả năng gián đoạn chuỗi cung ứng thực phẩm trong khu vực.
Hội nghị trực tuyến cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành thực phẩm, nông nghiệp và lâm nghiệp trong hoạt động cung ứng các sản phẩm thiết yếu, an toàn và bổ dưỡng tới các thị trường ASEAN, bao gồm duy trì liên tục các hoạt động kinh doanh và dịch vụ đối với hệ thống lương thực và nông nghiệp.
Trong cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Du lịch Brunei Dato Seri Setia Awang Haji Ali nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ASEAN tập trung hướng tới phục hồi kinh tế và hội nhập nền kinh tế kỹ thuật số, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến khủng hoảng lương thực.
Theo Bộ trưởng Brunei, giá lương thực và nông sản đầu vào tăng đã kéo theo tăng chi phí hậu cần và sản xuất.
Cuộc họp cũng đã ghi nhận với sự hài lòng về tiến độ thực hiện các mục tiêu chính đối với ngành lương thực, nông nghiệp và lâm nghiệp vào năm 2022, đồng thời thông qua 12 mục tiêu chỉ định về chăn nuôi, cây trồng, thủy sản và lâm nghiệp trong năm 2023.
Điều này bao gồm "Lộ trình thực hiện Hướng dẫn ASEAN về Nông nghiệp bền vững", một trong những kết quả kinh tế ưu tiên (PED) cho vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2023 của Indonesia.
Các hướng dẫn hy vọng sẽ tăng cường sự phát triển của một thị trường thực phẩm bền vững tại ASEAN, trong bối cảnh ngày càng có nhiều rào cản thương mại, thuế quan và các hạn chế khác áp đặt đối với các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm của ASEAN.
Hội nghị đã ghi nhận nhiều dự án khác nhau đã được ASEAN xây dựng để hỗ trợ các quốc gia thành viên đảm bảo an ninh lương thực nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực trong khu vực. Điều này bao gồm việc hài hòa hóa các tiêu chuẩn và xây dựng những hướng dẫn để hỗ trợ tạo thuận lợi cho thương mại các sản phẩm nông nghiệp trong ASEAN.
Các đại biểu cũng đã nhắc lại tầm quan trọng của Hướng dẫn ASEAN về Thúc đẩy đầu tư vào lương thực thực phẩm, nông lâm nghiệp (ASEAN-RAI).
Những nỗ lực trong việc tăng cường hợp tác giữa các ngành về nông nghiệp bảo tồn, nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu và các sáng kiến quản lý đất bền vững nhằm đảm bảo tính bền vững của hệ thống nông nghiệp sinh thái trong khu vực cũng được ghi nhận.
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết Việt Nam đánh giá cao tinh thần chủ động và nỗ lực của các cơ quan kỹ thuật trong khuôn khổ hợp tác nông lâm nghiệp ASEAN để một loạt các tài liệu, sáng kiến được đề xuất cho năm 2022 đã được thảo luận và đệ trình lên Hội nghị Bộ trưởng xem xét thông qua.
“Tôi tin tưởng rằng với tinh thần chủ động thích ứng, chúng ta sẽ góp phần giảm thiểu được các tác động của đại dịch Covid-19, ứng phó với biến đổi khí hậu và vẫn có thể đạt được những mục tiêu hợp tác đã đặt ra cho năm 2022. Việt Nam nhất trí thông qua nội dung trong Báo cáo của Chủ tịch SOM-AMAF và các tài liệu kèm theo”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh tại Việt Nam, Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong Chiến lược này, Việt Nam chủ trương đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, chuyển đổi từ “tư duy sản xuất” sang “tư duy kinh tế”, hướng tới những “giá trị xanh” được tạo nên từ “chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, và kinh tế xanh”.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan, nền nông nghiệp cần phát triển tích hợp “đa giá trị” để tạo ra giá trị tăng thêm dựa trên khai thác hiệu quả các nguồn lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tổ chức kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, thị trường, xuất khẩu, chuỗi giá trị toàn cầu.
Minh Thu