Công ty Quản lý tài sản quốc gia sẽ ra đời trong tháng 5
Thông tin trên được Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 diễn ra chiều tối 26/4.
Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, việc có cho cấp phép thành lập Công ty VAMC hay không đã được đưa ra bàn thảo. Tuy nhiên, tại thời điểm đó do nhận thấy đề án thành lập VAMC còn nhiều điểm cần được làm rõ, nên Chính phủ yêu cầu NHNN tiếp tục họp bàn lấy ý kiến tiếp thu các bộ ngành.
Sau khi lấy ý kiến các bộ ngành, NHNN đã trình lên Chính phủ bản sửa đổi. Do tính chất đặc biệt của công ty này, nên “nếu không có gì thay đổi một vài ngày tới Chính phủ sẽ làm thủ tục thông qua Nghị định thành lập VAMC” – người phát ngôn của Chính phủ khẳng định.
Bộ trưởng Đam cũng nhấn mạnh, xử lý nợ nhiều biện pháp, công ty VAMC cũng chỉ là một trong các giải pháp. “Trách nhiệm xử lý nợ xấu trước hết thuộc về các NHTM và các NHTM cũng đang rất tích cực triển khai xử lý số nợ xấu bằng trích lập dự phòng rủi ro theo đúng quy định” – ông nói.
VAMC được thành lập cũng sẽ chỉ giải quyết được một phần nợ xấu |
Về học tập kinh nghiệm xử lý nợ xấu của các nước trên thế giới, người phát ngôn Chính phủ cho rằng, không có một mô hình xử lý nợ xấu nào để Việt Nam học tập một cách trọn vẹn. “Khó nói mô hình nào thành công, mô hình nào không thành công bởi đây là mô hình mới với những cơ chế đặc thù riêng. Trong quá trình hoạt động VAMC sẽ tiếp tục lắng nghe điều chỉnh để góp phần giải quyết nhanh nợ xấu, lan tỏa tới sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Trước đo, trao đổi với PV Infonet, TS. Võ Trí Thành – Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cũng nhấn mạnh: VAMC không phải là “cây đũa thần xử lý nợ xấu”. Theo ông, để xử lý nợ xấu hiệu quả, VAMC phải gắn với xử lý các ngân hàng yếu kém, xử lý doanh nghiệp nhà nước (DNNN), hỗ trợ kinh tế làm bất động sản ấm áp lên đôi chút, rồi quản lý cung tiền để đảm bảo ổn định vĩ mô.