Công tác phòng, chống tham nhũng đã có những bước tiến dài
Trong bài phát biểu tổng kết 5 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo PCTN), đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo đã viết: Tham nhũng là hiện tượng xã hội tiêu cực tồn tại ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tham nhũng gây thiệt hại nghiêm trọng đến các nguồn lực công, xâm hại đến hoạt động đúng đắn của bộ máy nhà nước, làm sai lệch công lý, công bằng xã hội, làm suy giảm niềm tin, cản trở các nỗ lực giảm nghèo và phát triển đất nước, xã hội. Công tác phòng, chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước ta xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa khó khăn, phức tạp, lâu dài.
Đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng. (Ảnh: Noichinh.vn) |
Những năm vừa qua, Ban Chỉ đạo PCTN đã quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, kịp thời nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, với mức án nghiêm khắc và nhân văn; thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng và đồng chí Tổng Bí thư “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai”, tạo bước đột phá trong công tác PCTN.
Trên thực tế, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo đã lãnh đạo, chỉ đạo kiên quyết; xử lý nghiêm minh một số cán bộ cao cấp cả đương chức và đã nghỉ hưu, có vi phạm liên quan các vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, điển hình như: vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín; vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng (giai đoạn I); vụ án đánh bạc, tổ chức đánh bạc xảy ra tại Phú Thọ; vụ án xảy ra tại Ngân hàng Đông Á... Trong các vụ án có rất nhiều đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái; nhất là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật nhiều cán bộ, đảng viên thuộc diện Trung ương quản lý, có cả các đồng chí là Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, và nhiều đồng chí là tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang….
Trong tình hình hiện nay, công tác PCTN được tiến hành thường xuyên, liên tục, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Các cơ quan kiểm tra của Đảng, Thanh tra, Kiểm toán, Công an, Kiểm sát, Tòa án vào cuộc ngày càng tích cực, hiệu quả; các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng tiếp tục được kiện toàn tổ chức, bộ máy, nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng. Quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng PCTN ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Ban Chỉ đạo PCTN xác định là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện sớm, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng; đẩy nhanh hơn nữa tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp theo đúng yêu cầu của Ban Chỉ đạo; kịp thời áp dụng các biện pháp kê biên, tạm giữ tài sản, phong tỏa tài khoản và xử lý tài sản tham nhũng ngay trong quá trình thanh tra, kiểm toán, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Từ sự kiểm tra, đôn đốc của Trung ương, công tác kiểm tra, giám sát tại các địa phương cũng được tăng cường. Các đoàn công tác của Ban Chỉ đạo PCTN thường xuyên kiểm tra tình hình tại các Bộ, ngành, địa phương để nắm bắt thực trạng, tìm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác PCTN.
Ngày 30/11, Thượng tướng Tô Lâm Bộ trưởng Bộ Công an dẫn đầu Đoàn công tác Ban Chỉ đạo đã làm việc với Tỉnh ủy các tỉnh về công tác PCTN trong năm 2018. Thượng tướng Tô Lâm đề nghị Tỉnh ủy các địa phương cần tập trung làm rõ một số vấn đề cơ bản như: những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác PCTN ở địa phương cần tập trung tháo gỡ trong thời gian tới; kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong thực hiện các giải pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng…
Mới đây, một số cơ quan đơn vị cũng đã chủ động thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông phản ánh về các hành vi tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, nhân viên trong ngành như Bộ Công an, Cục Báo chí – Bộ TT&TT để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm, từ đó xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, liêm khiết, năng lực và uy tín, góp phần hạn chế tiêu cực, tham nhũng ở cơ sở, nâng cao hiệu quả công tác PCTN.