Cổ phiếu bất động sản bứt tốc, chủ tịch có thêm nghìn tỷ
Phiên 8/6, cổ phiếu PDR của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt tiếp tục tăng giá, có thời điểm lên mức 16.800 đồng/cp. Chốt phiên, cổ phiếu này ở mức 16.300 đồng/cp. Tính từ đầu tháng 3, cổ phiếu PDR tăng 61,4%.
Với mức tăng mạnh như vậy, tài sản của ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT Phát Đạt cũng tăng theo. Ông Đạt hiện sở hữu gần 293,4 triệu cổ phiếu PDR (tỷ lệ 43,68% vốn). Tính từ tháng 3, tài sản của ông Đạt tăng thêm hơn 1.730 tỷ đồng.
Ông đang ở vị trí 23 trong danh sách Top người giàu trên sàn chứng khoán.
Trong báo cáo thường niên, ông Đạt cho biết, thị trường vô cùng chật vật như đã và đang có, PDR hay bất kỳ doanh nghiệp nào cũng đều không thể có lựa chọn toàn diện. Chắc chắn sẽ phải có những đánh đổi, trì hoãn, thậm chí là mất mát.
PDR cũng nỗ lực cao nhất, cân nhắc thấu đáo nhất để đảm bảo nhiệm vụ ưu tiên là vượt qua thách thức lớn trước mắt. Đó cũng là cách tối ưu để bảo vệ cơ hội hướng tới tương lai mới cho công ty và tất cả các bên có liên quan.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023, Phát Đạt chỉ thu về hơn 192 tỷ đồng, giảm gần 70% so với cùng kỳ năm 2022. Sau khi trừ giá vốn, chi phí và thuế, Phát Đạt lãi ròng hơn 22 tỷ đồng, giảm tới 92% so với cùng kỳ.
Thời gian gần đây, khi cổ phiếu tăng, lãnh đạo của Phát Đạt đăng ký bán cổ phiếu. Ông Bùi Quang Anh Vũ, Tổng giám đốc Phát Đạt đăng ký bán 18,7 triệu cổ phiếu, với mục đích tái cơ cấu danh mục đầu tư. Giao dịch sẽ được tiến hành từ ngày 22/5 đến 22/6 theo phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh. Tổng giám đốc Bùi Quang Anh Vũ dự kiến thu về hơn 250 tỷ đồng.
Tin doanh nghiệp
Thị trường chứng khoán còn một số sự kiện quan trọng khác của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn.
* HOSE: Theo báo cáo thường niên 2022, lợi nhuận của Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) sụt giảm so với mức kỷ lục năm 2021. Tổng doanh thu của HOSE đạt trên 2.508 tỷ đồng, giảm 728,8 tỷ đồng, khoảng 23% so với năm 2021.
* KDC: CTCP Tập đoàn KIDO đặt mục tiêu năm 2023 với doanh thu thuần 15.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 900 tỷ đồng, tăng lần lượt 20% và 76% so với thực hiện năm trước. Đây là mức lợi nhuận trước thuế cao nhất kể từ năm 2017.
* TNH: CTCP Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên thông qua phương án phát hành 2,5 triệu cổ phiếu ESOP, với giá 10.000 đồng/cp.
* VCI: CTCP Chứng khoán VietCap thông qua phương án phát hành hơn 2 triệu cổ phiếu ESOP, với giá 12.000 đồng/cp. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm.
* ACB: Ngân hàng Á Châu (ACB) vừa có báo cáo gửi HOSE thông báo thay đổi số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết và thay đổi vốn điều lệ. ACB phát hành 506.615.264 cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022 qua đó nâng tổng số cổ phiếu lưu hành từ 3.377 triệu cổ phiếu lên 3.884 triệu cổ phiếu.
* ITA: CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo đã gửi HOSE công văn báo cáo khắc phục tình trạng chứng khoán bị cảnh báo và đề nghị đưa chứng khoán ITA ra khỏi diện cảnh báo.
Thông tin giao dịch
* DIG: Bà Diệp Thị Ngọc Lan, Thư ký Hội đồng quản trị Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp) vừa bán ra 30.000 cổ phiếu, giao dịch được thực hiện ngày 7/6.
* SGN: CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn vừa báo cáo giao dịch mua vào cổ phiếu của CTCP Kinh doanh Địa ốc Him Lam. Theo đó, Địa ốc Him Lam đã mua vào gần 2,6 triệu cổ phiếu SGN, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu từ 0% vốn lên 7,6% vốn điều lệ, chính thức trở thành cổ đông lớn. Ngày giao dịch trở thành cổ đông lớn là 1/6.
* NVL: Ông Nguyễn Hiếu Liêm, cá nhân có liên quan tới Novagroup – cổ đông lớn nhất tại Tập đoàn Địa ốc No Va (Novaland) - đã bị công ty chứng khoán bán giải chấp hơn 16 triệu cổ phiếu NVL. Giao dịch được thực hiện theo phương thức khớp lệnh trong phiên 1/6.
* SD5: America LLC, cổ đông lớn của CTCP Sông Đà 5 đã bán ra 560.000 cổ phiếu SD5 trong ngày 2/6. Tổ chức này còn nắm giữ 873.000 cổ phiếu, tỷ lệ 3,36%.
* SJS: CTCP SAM Holdings (SAM), cổ đông, tổ chức có liên quan đến ông Phương Xuân Thụy - Thành viên HĐQT CTCP Đầu tư Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà đăng ký bán toàn bộ hơn 377.000 cổ phiếu SJS. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 9/6 đến 8/7 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.
VN-Index
Kết phiên giao dịch ngày 8/6, VN-Index giảm 8,22 điểm (-0,74%), xuống 1.101,32 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1,32 tỷ đơn vị, giá trị 23.689 tỷ đồng.
HNX có 83 mã tăng và 115 mã giảm, HNX-Index giảm 3,55 điểm (-1,54%), xuống 226,78 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 150,1 triệu đơn vị, giá trị 2.496,2 tỷ đồng.
UpCoM-Index giảm 0,55 điểm (-0,65%), xuống 84,02 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 83,2 triệu đơn vị, giá trị 937,4 tỷ đồng.
Theo Chứng khoán Yuanta Việt Nam, thị trường chỉ đang ở giai đoạn điều chỉnh ngắn hạn. Vùng hỗ trợ của chỉ số VN-Index là 1.090-1.095 điểm. Đây là vùng hỗ trợ quan trọng cho nhịp điều chỉnh này. Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng.
Đơn vị này khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục đứng ngoài thị trường và nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức hiện tại. Các nhà đầu tư chưa nên mua trở lại khi cần quan sát thêm diễn biến thị trường ở vài phiên tới.
Duy Anh