Có nên thành lập “siêu" Ủy ban quản lý cơ quan quản lý?
![]() |
Được sinh ra để quản lý vốn nhà nước, nay SCIC cũng sẽ được quản lý bởi một "siêu" ủy ban. |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết sẽ trình Chính phủ Đề xuất thành lập siêu Ủy ban quản lý các doanh nghiệp nhà nước trong dự thảo mới. Ủy ban mới này sẽ báo cáo trực tiếp lên Văn phòng Chính Phủ và nhiều khả năng sẽ do Thủ tướng bổ nhiệm với sự tham vấn của các bên.
Mô hình hoạt động của Ủy ban này có vẻ tương tự Temasek của Singapore. Trong dự thảo nghị định công bố vào tuần trước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất các quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước này. Đồng thời đưa ra danh sách dự kiến doanh nghiệp và vốn nhà nước tại doanh nghiệp chuyển giao cho Ủy ban quản lý gồm 30 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.
Ngoài các tổng công ty lớn như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Than Khoáng sản (Vinacomin), Tập đoàn Xăng Dầu (Petrolimex), Tổng Công ty Thép Việt Nam (VN Steel), Tổng Công ty Bia – Rượu – NGK Hà Nội (Habeco), Tổng Công ty Bia – Rượu – NGK Sài Gòn (Sabeco), hay Vietnam Airlines. Đáng chú ý là Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) ban đầu được thành lập với chức năng tương tự như Ủy ban quản lý mới này cũng bao gồm trong danh sách nêu trên. Hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tập hợp ý kiến đóng góp về dự thảo Nghị định và dự kiến sẽ trình nghị định lên Chính phủ trước khi trình Quốc hội trong quý 3/2016.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) – cơ quan chấp bút cho Dự thảo, việc thành lập siêu ủy ban này có các mục tiêu quan trọng như: tránh xung đột về chức năng của Chính phủ, nhằm tách chức năng sở hữu khỏi chức năng quản lý thị trường và hoạch định chính sách; tập trung các doanh nghiệp nhà nước lớn để dễ dàng quản lý và giám sát. Nói cách khác, việc thành lập Ủy ban này sẽ xóa bỏ được tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” của các Bộ, ngành; tránh xung đột lợi ích, khiến các chính sách thiên về hướng có tính ưu tiên, ưu đãi cho ngành, gây méo mó thị trường và bất bình đẳng cho cộng đồng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Đình Cung cho biết, ngay cả khi Ủy ban được thành lập cũng không phải là giải pháp cho toàn bộ những vấn đề của khu vực doanh nghiệp nhà nước. Một giải pháp rất quan trọng khác là phải đẩy mạnh cổ phần hóa, thu hẹp phạm vi hoạt động của các doanh nghiệp này, tạo không gian cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Bản thân Ủy ban này cũng cần được giám sát, kiểm soát chặt chẽ. Về nội bộ, phải đặt ra được mục tiêu rõ ràng với các chỉ tiêu cụ thể để đo lường. Muốn làm được như vậy, phải thiết lập cơ chế công khai hóa các hệ thống thông tin đầy đủ về cơ cấu, giá trị tài sản, kết quả kinh doanh, việc công khai này phải thường xuyên và liên tục. Còn giám sát bên ngoài là giám sát của thị trường, chuyên gia, báo chí, đánh giá từ các tổ chức nước ngoài một cách liên tục và theo các chuẩn mực.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến cuối năm 2015, vốn nhà nước tại 30 tổng công ty, tập đoàn nhà nước trên là khoảng 1.200 nghìn tỷ đồng (57 tỷ USD) trong khi đó giá trị tài sản thuộc sở hữu nhà nước là hơn 3.100 nghìn tỷ đồng (148 tỷ USD).
Vấn đề đặt ra là Ủy ban này sẽ hoạt động và thực hiện các mục tiêu đề ra dựa trên nguồn lực nào, trách nhiệm của ủy ban mới có vẻ khá nặng nề. Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán HSC, điều thú vị là liệu ủy ban này có được phân bổ nguồn lực và nhân lực phù hợp để thực hiện các chức năng đặt ra, nếu không, cơ quan quản lý mới này có thể bị choáng ngợp bởi tính phức tạp của hoạt động quản lý và giám sát mà cơ quan này chịu trách nhiệm.
Chưa biết hiệu quả thực sự đến đâu, việc thành lập thêm một siêu ủy ban này chắc chắn sẽ khiến ngân sách nhà nước phải chi thêm cho việc duy trì hoạt động. Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nếu thành lập ủy ban quản lý vốn nhà nước sẽ mang nặng tính hành chính, thay vào đó, nên 2 - 3 công ty tài chính nhà nước để “gom” vốn của nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước. Trong khi đó, nếu thành lập được các công ty quản lý vốn nhà nước thì vẫn đảm bảo quyền tự chủ trong kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường, đảm bảo khả năng cạnh tranh và công ty tài chính quản lý vốn nhà nước sẽ hoạt động với tư cách như một nhà đầu tư, chứ không phải tư cách một cơ quan chủ quản cũng như cơ quan quản lý. Công ty đầu tư tài chính chỉ chịu trách nhiệm nguồn vốn đầu tư của mình vào các khoản đầu tư đó, chứ không phải là cơ quan cấp trên. Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng có 2 – 3 công ty tài chính chịu trách nhiệm sẽ đảm bảo tính cạnh tranh, từ đó sẽ tìm ra mô hình để quản lý tốt hơn.
Trong khi đó, khi bàn về việc quản lý và hỗ trợ khối các doanh nghiệp tư nhân, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng nhà nước không nên “đẻ” ra thêm một bộ phận nào khác để quản lý hay hỗ trợ doanh nghiệp bởi bộ máy nhà nước hiện nay đã quá cồng kềnh. Đối với công tác hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Lộc đề xuất nên để các tổ chức xã hội, như VCCI, đảm nhận vai trò này.