Có cần thiết phải bỏ khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn"?
Dư luận đang có nhiều ý kiến trái chiều trước ý kiến nên bỏ khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" của GS Trần Ngọc Thêm.
Nêu quan điểm trước đề xuất bỏ khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn", GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết: “Lâu nay, khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" đã trở thành nét văn hóa, như một lời nhắc nhở mỗi học sinh và giáo viên khi đã bước chân vào ngành giáo dục thì điều đầu tiên phải học là học về lễ độ, cách ứng xử.
Tuy nhiên, cũng đã đến lúc nên chấm dứt khẩu hiệu này bởi mỗi thời đại cần đưa ra một khẩu hiệu, phương châm giáo dục riêng. Không nên đem khẩu hiệu từ thời phong kiến để áp vào thời đại cách mạng công nghiệp như hiện tại.
Trong giai đoạn kinh tế tri thức, cần phải xem xét để đưa ra khẩu hiệu mà ở đó đòi hỏi con người làm chủ được tương lai, tri thức và công nghệ chứ không đơn thuần là "lễ và văn" như thời xưa. Giáo dục kiến tạo, giáo dục hướng đến sự tự do và rất cần cho việc giáo dục con người trong xã hội mới".
Ảnh minh họa |
Còn PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) thì khẳng định trong bối cảnh hiện nay, ngoài việc truyền tải tri thức, người thầy còn phải truyền cảm hứng cho học trò.
“Nếu chỉ vì cho rằng câu khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” tập trung quá nhiều vào người thầy trong khi hiện tại chúng ta phát huy tư duy sáng tạo, phản biện của học trò nên bỏ khẩu hiệu này thì có phần khiên cưỡng. Bởi lẽ, nhìn rộng ra thì giáo dục đào tạo là giáo dục cả tri thức và nhân cách cho đứa trẻ, muốn thế cũng phải dạy con biết lễ phép với thầy cô, người lớn, biết nhường nhịn em nhỏ...
Quan điểm cá nhân tôi thì không cần thiết phải bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” mà làm sao bỏ được suy nghĩ ăn sâu trong tâm trí nhiều người thầy rằng họ chính là đại diện cho tri thức để dập tắt sự sáng tạo, tư duy phản biện với các vấn đề của học sinh”, PGS.TS Trần Thành Nam nói.
Thực tế là đã có những trường học mạnh dạn bỏ khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" để khai mở ra lối giáo dục sáng tạo. Nếu nhìn rộng ra thì học lễ là học rèn luyện nhân cách biết yêu nước thương nòi.
Hiện nay với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì cần vài cú nhấp chuột có thể tra cứu được kiến thức cần biết. Vai trò của thầy cô từ người truyền thụ kiến thức sang người hướng dẫn hỗ trợ kiến thức. Tuy nhiên nói như vậy không có nghĩa là chúng ta có quyền bỏ đi những câu khẩu hiệu như "Tiên học lễ, hậu học văn" và làm giảm đi giá trị cũng như sự kính lễ với người thầy.
Cô Lê Thị Loan (Học viện Quản lý Giáo dục) nêu ý kiến: “Chúng ta thường cổ vũ cho học sinh, sinh viên phải có suy nghĩ sáng tạo, tư duy phản biện nhưng nếu chỉ chạy theo sáng tạo hay phản biện mà quên dạy đạo đức, lễ nghĩa cho học sinh thì đó lại là thất bại lớn.
Vì thế, phát huy khả năng sáng tạo, tư duy phản biện cho học sinh là điều cần nhưng chưa đủ nếu chúng ta bỏ quên việc dạy đạo đức cho học sinh vì chính đạo đức sẽ góp phần hình thành nhân cách của con người. Một đứa trẻ giỏi giang nhưng thiếu đạo đức là điều vô cùng khiếm khuyết”.
Một nguồn nhân lực như vậy giỏi chỉ có thể giữ cho xã hội ổn định, chứ không thể giúp xã hội phát triển. Muốn xây dựng một xã hội phát triển thì phải có những con người sáng tạo. Để sáng tạo, phải chủ động và có tư duy phản biện.
"Tiên học lễ" rồi thì con người sẽ trở nên thụ động, sẽ không còn tư duy phản biện nữa. "Tiên học lễ" đòi hỏi quan hệ một chiều, người dưới tôn trọng người trên. Còn sức sáng tạo và sự phản biện tồn tại trong quan hệ hai chiều, người dưới và người trên cần có sự tôn trọng lẫn nhau.
Chừng nào còn đề cao chữ "lễ" thì người học còn bị trói buộc trong quan hệ kính trọng một chiều. Chấm dứt sử dụng khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" sẽ là điều kiện cần để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo.
Tranh luận “nảy lửa” về ý kiến bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”
GS. Trần Ngọc Thêm cho rằng cần chấm dứt khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" vì nó mang nặng tính phục tùng, không phù hợp với giáo dục Việt Nam hiện nay. Ý kiến của giáo sư đã thu hút sự quan tâm, tranh luận của nhiều người.
Hoàng Thanh