Chuyện phiến đá thiêng giúp dân tìm lại vật nuôi đã mất ở Hà Tĩnh
Nguồn gốc của sự linh thiêng
Di tích Bản Thổ nằm ở khu dân cư thôn Thanh Bình, xã Thanh Lộc. Theo người dân địa phương, nơi đây từng là một vùng đất hoang vu, cây cối um tùm, rậm rạp, đi lại rất khó khăn. Bên trong lùm cây mọc lên một phiến đá nằm lộ thiên, có hình bầu dục, chiều dài khoảng 2m, rộng và cao khoảng gần 1m.
Câu chuyện phiến đá giúp dân tìm lại vật nuôi có nhiều thông tin khác nhau. Tương truyền, xưa kia ở dãy núi Sạch Lĩnh, cách phiến đá không xa có rất nhiều thú dữ, thường xuyên ăn thịt vật nuôi và đe dọa cuộc sống của con người.
Một hôm, có anh nông dân đang chăn trâu thì nghe thấy tiếng hổ gầm. Sợ quá, con trâu dứt dây bỏ chạy vào rừng. Sau hơn 1 tuần tìm kiếm nhưng vẫn không thấy tung tích, vừa tiếc của, vừa quá mệt, anh vào lùm cây nằm cạnh phiến đá để nghỉ và ngủ quên lúc nào không biết.
Trong giấc mơ, anh thấy một cụ ông râu tóc bạc phơ, xuất hiện từ trong phiến đá bảo sáng ngày mai đi vào cánh đồng phía nam thì sẽ tìm thấy trâu của mình. Khi người nông dân đến khu vực theo chỉ dẫn thì bất ngờ thấy con trâu của mình đang ở đó.
Cụ Lê Đình Luyện (SN 1936) kể rằng, xưa kia, sau khi nghỉ hưu, cụ Thượng Trình (1872 - 1949, Tiến sĩ, Thượng thư Nguyễn Văn Trình) đã về quê sinh sống. Một hôm cụ bị mất một con lợn to, cả nhà đi tìm khắp nơi nhưng không thấy.
Biết tin, một người giúp việc mách cho cụ Thượng Trình mua một nén hương cầu khấn nơi phiến đá nhờ tìm lại vật nuôi. Lễ xong một hôm thì có tin báo con lợn của cụ đi lạc và có người làng bên bắt được, cụ Trình đã mua lễ vật đến cảm tạ. Chứng kiến nhiều lần như vậy, cụ đã cho lập bàn thờ nhỏ bên cạnh phiến đá để hương khói.
Cũng theo cụ Luyện, sau đó cụ Thượng Trình đã đặt cho hiệu bụt là “Bản thổ phúc thần, Càn Long linh ứng, Tỵ hộ liệt vị tôn thần” với ý nghĩa: Bản Thổ được tôn làm thần, vị thần có phúc, Tỵ hộ là giúp đỡ. Từ đó, người dân coi phiến đá như một “vị thần hộ mệnh” và kính cẩn gọi là “ngài đá”, “ông đá”.
Nét văn hoá tâm linh
Toàn bộ khuôn viên có diện tích khoảng 1.000m2, được xây tường bao quanh, cây cối tươi tốt. Theo người dân, dù trải qua bao nhiêu cuộc chiến tranh, bão tố nhưng cây cối ở đây vẫn không hề bị tàn phá, gãy đổ.
Gần đây, để thuận lợi cho việc hương khói, chính quyền địa phương và người dân đã góp công tôn tạo miếu thờ và lập biển chỉ dẫn “Di tích Bản Thổ” ngay cổng ra vào để cho mọi người tới thắp hương cầu khấn.
Ngày nay, người dân đến đây dâng hương không chỉ để tìm vật nuôi mà còn cầu bình yên trong cuộc sống, cầu đỗ đạt trong thi cử, an toàn trong đi lại, may mắn trong làm ăn, thuận lợi trong khởi công, động thổ, dựng vợ gả chồng, con cái hiếm muộn…
Ngoài ra, vào các ngày mùng 1 và rằm hàng tháng và dịp tết Nguyên đán, sau khi đón giao thừa, rất đông con em địa phương tập trung về đây dâng hương đầu xuân. Sau những vụ mùa, người dân thường làm lễ “nếp mới” để dâng lên nhằm cầu nguyện mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.
Việc dâng hương tại di tích Bản Thổ đã trở thành nét văn hoá tâm linh không thể thiếu trong đời sống của người dân địa phương.
Nói về di tích Bản Thổ, cụ Lê Đình Luyện cho biết, ở mỗi vùng quê, người ta thường tôn những thứ linh thiêng để phù hộ cho mình, vì thế, di tích Bản Thổ là ngôi đền thờ thổ thần của người dân bản xứ, do người dân tự lập nên. Đây là tâm linh và đức tin của con người.
Theo cụ Luyện, nói là thờ một phiến đá, nghe có vẻ huyền bí, tuy nhiên ở đây tuyệt nhiên không có hoạt động mê tín dị đoan. Không có dịch vụ thầy cúng, dâng sớ, xăm, quẻ, không đốt vàng mã theo dạng biến tướng…
Đến đây, người dân chỉ thắp hương, đặt gói bánh, nén hương vàng lên ban thờ và tự khấn theo lòng thành, có sao nói vậy. Lễ xong cũng tuỳ lòng hảo tâm, công đức bao nhiêu tuỳ ý.
Cũng theo cụ Luyện, Thanh Lộc ngày xưa có tên là Kiệt Thạch, tức là hòn đá đặc biệt. Ngoài di tích Bản Thổ, trên ngọn núi Sạch Lĩnh (hay còn gọi là Phượng Lĩnh) còn có dấu chân ông Đùng in sâu trên phiến đá.
Ông Nguyễn Quang Phú, Chủ tịch UBND xã Thanh Lộc cho biết, việc thờ phiến đá có từ lâu đời, đây là vấn đề văn hóa tâm linh của người dân chứ không có sự mê tín dị đoan. Mọi hoạt động tại đây do Hội Người cao tuổi của xã đứng ra quản lý.
Trần Hoàn