Chuyện những người vô tư đi bán nội tạng của chính mình
![]() |
Một ca ghép tạng ở Việt Nam. |
Trường hợp của anh Nguyễn Văn Th 42 tuổi, từng làm giám đốc một công ty chuyên khoan cọc nhồi xây dựng. Ở thời điểm thịnh vượng có ngày anh Th. kiếm được vài trăm triệu đồng. Đến khi làm ăn thất bát, công ty phá sản, nợ nần chồng chất đến nỗi tiền sinh hoạt phí của gia đình cũng là vấn đề lớn với người đàn ông này.
Quá túng quẫn, anh ta nghĩ ra cách đến trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia để “bán thận”. Anh ta nói rằng cần tiền và sẵn sàng bán một quả thận để lấy tiền chi tiêu vào vài việc còn dang dở.
Hay như trường hợp của một sinh viên tên Trần Khánh H. quê ở Quảng Ninh, đang là sinh viên của một trường đại học nhưng H. nghiện các trò chơi cờ bạc, lô đề và nợ nần bạn bè, thậm chí còn cầm cố cả thẻ sinh viên, máy tính, xe máy bố mẹ sắm cho cậu đều cắm vào tiệm cầm đồ.
Trong cơn túng quẫn, H. tìm đến Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia xin bán thận và bán được gì thì cậu bán để kiếm tiền trang trải nợ nần, không muốn bố mẹ phải suy nghĩ.
Đây chỉ là hai trong hàng trăm trường hợp tìm đến các cơ quan y tế để xin bán tạng. Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Phúc – Phó giám đốc Trung tâm điều phối và ghép tạng quốc gia cho biết hầu như ngày nào ông cũng gặp trường hợp khách như thế này nhưng mọi câu trả lời đều là không được vì pháp luật nghiêm cấm.
Thạc sĩ Phúc cho biết không ít người tới các Trung tâm y tế với nhiều sắc thái khác nhau với mong muốn được bán nội tạng với nhiều lí do như hoàn cảnh kinh tế khó khăn, do kinh doanh thất bại hoặc cần tiền để đóng học phí …. Thậm chí có trường hợp hai vợ chồng cùng đồng thuận muốn bán thận lấy tiền.
Tuy nhiên, hệ thống pháp luật trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng “nghiêm cấm hoàn toàn” việc mua bán, kinh doanh nội tạng do những hệ quả khôn lường về mặt xã hội và nhân đạo, đặc biệt nó có liên quan đến tội phạm mua bán người - một trong những loại tội phạm được cả thế giới quan tâm ngăn chặn hiện nay.
Việt Nam đã quy định về vấn đề này cụ thể trong điều 11 của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác quy định cụ thể về việc nghiêm cấm mua bán nội tạng cũng như quảng cáo liên quan đến mua bán và ghép tạng.
Trong điều 154 Bộ Luật Hình sự cũng quy định rõ về mức phạt tù với người có hành vi mua bán nội tạng, theo đó, người thực hiện hành vi trên sẽ phải đối mặt với mức phạt tù ít nhất là 3-7 năm tù.
Nếu hoạt động từ 2 người trở lên hoặc có tổ chức, mức phạt tù sẽ là từ 7-15 năm tù và từ 20 năm tù trở lên nếu vi phạm nghiêm trọng. Như vậy, Luật pháp đã quy định rõ ràng và chặt chẽ: Việt Nam chỉ chấp nhận nghĩa cử cao đẹp là hiến tạng tự nguyện.
Chính vì vậy, bất cứ ai muốn bán thận, một phần tạng của mình là phi pháp vì pháp luật không thừa nhận.
Năm 2014, qua báo Tuổi trẻ, Cục C45 đã điều tra, xác minh và lập án đấu tranh về một đường dây buôn bán nội tạng xuyên quốc gia. C45 đã khởi tố, bắt tạm giam 3 đối tượng do đối tượng Nguyễn Việt Dũng (SN 1982) quê Hải Phòng cầm đầu. Các đối tượng này đã câu kết, hình thành một đường dây mua bán tạng hoạt động tinh vi, xảo quyệt. Trong khoảng 2 năm, các đối tượng đã mua bán trái phép, lập hồ sơ, giấy tờ giả để hợp thức hóa việc ghép tạng cho 136 ca, liên quan đến 274 người ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước.
Điều đau xót là hầu hết người bán thận đều là thanh niên, trong độ tuổi lao động. Họ bị lợi dụng, lừa phỉnh, dụ dỗ để bán thận trong khi chỉ nhận được từ 80 đến 100 triệu đồng. Số tiền còn lại đều rơi vào tay các đối tượng.
Ở thời điểm đó, Luật Hình sự chưa quy định tội danh buôn bán nội tạng cơ thể người nên Cơ quan CSĐT chỉ có thể khởi tố đối tượng về hành vi làm giả con dấu, giấy tờ tài liệu của cơ quan, tổ chức, cá nhân với mức xử lý hình sự tương đối thấp, chưa đủ răn đe. Nhưng đến nay Bộ Luật hình sự năm 2015 đã quy định cụ thể tại điều 154 và điều 123 về tội mua bán nội tạng người.