Chuyên gia y tế chia sẻ điều cần nhớ khi đi du lịch kỳ nghỉ lễ
Theo các chuyên gia, dù không có ca mắc trong cộng đồng nhưng bất kể khi nào dịch cũng có thể xảy ra và người dân cần lưu ý phòng chống dịch khi đi du lịch.
Lo ngại du lịch
Chị Nguyễn Anh Thư – Hà Nội đang băn khoăn cho chuyến nghỉ lễ 30/4 tới của gia đình chị ở Phú Quốc, Kiên Giang. Chị đã mua vé từ hơn 1 tháng trước đã book hết tất cả khách sạn và hiện tại chỉ việc xách vali lên và đi. Nhưng thấy dịch đang phức tạp ở các nước láng giềng phía Tây Nam nên chị Thư đành bán lại các voucher mình đã mua trước đó. Tuy nhiên, khi bán lại cũng chẳng dễ. Chị Thư đã đăng bán 3 ngày nhưng chưa bán được vì có nhiều người vào hỏi nhưng rồi lại e dè về việc dịch bệnh có nên đi hay không.
Gia đình chị Phương Thảo, Thanh Xuân, Hà Nội cũng chuẩn bị kỹ cho kỳ nghỉ lễ dài sắp tới. Cả năm trước chị Thảo đã không được đi đâu. Book vé đi Đà Nẵng vào tháng 8/2020 thì dịch lại xảy ra nên đành bỏ vé. Đến đầu tháng 4 hai vợ chồng quyết định nghỉ lễ sẽ cho cả nhà đi du lịch. Gia đình có cả ông bà đã ngoài 70 tuổi nên đi chơi thì vui nhưng vẫn lo ngại.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh – Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM sắp tới kỳ nghỉ dài người dân bắt đầu đi lại nhiều, đi du lịch các nơi. BS Khanh cho rằng việc đi lại vẫn có thể nhưng ông khuyên người dân vẫn nâng cao cảnh giác phòng bệnh. Luôn thực hiện đeo khẩu trang và có sẵn lọ sát khuẩn trong túi.
Không nên tụ tập quá đông người, có thể đi nhóm nhỏ những người mình quen biết để tránh gặp người lạ, tiếp xúc với người mà mình không rõ họ là ai. Khi đi du lịch ở bất cứ đâu thì người dân vẫn cần giữ thói quen lưu lại các điểm mình đã đến ví dụ như khách sạn, nhà hàng, quán ăn, số chuyến bay, số xe, thời gian. Tất cả phải ghi chú lại để có thể phòng bất cứ khi nào mình cũng trở thành người trong chuỗi F.
Khi đi lại cần lưu ý về việc check in – check out ở sân bay. Những người đi bằng các phương tiện vận tải khác cũng hết sức cẩn trọng bởi vì nghỉ lễ hầu như các phương tiện đều rất đông người như xe buýt, xe khách đường dài, tàu hỏa cũng có những quy định phòng dịch như yêu cầu hành khách đeo khẩu trang, khai báo y tế và sát khuẩn, khử trùng.
Những điều cần nhớ khi đi du lịch. |
Khi đã tới khách sạn, hãy luôn nhớ đeo khẩu trang và đứng cách xa người khác tối thiểu 1m. Dù bạn ở nơi không có ca mắc Covid-19 thì hãy luôn nhớ chúng ta hiện vẫn ở thời điểm đại dịch Covid-19 và vẫn chưa có vaccine hay biện pháp điều trị hiệu quả. Hãy nhớ đeo khẩu trang dù bạn ở bất kỳ khu vực nào. Nếu là người trên 60 tuổi, có bệnh nền, hãy luôn sử dụng khẩu trang y tế theo đúng khuyến cáo của WHO.
Đừng để như Ấn Độ
Theo TS Thân Mạnh Hùng – Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, kỳ nghỉ lễ dài sắp tới nguy cơ dịch có thể xảy ra ở bất cứ đâu. TS Hùng khuyến cáo người dân hãy nhìn bức tranh thảm họa Covid-19 ở Ấn Độ để tự phòng bệnh cho mình. TS Hùng cho biết nếu không có các bước phòng bệnh thì dịch xảy ra trên diện rộng hệ thống y tế vẫn có thể bị đánh gục. Lúc đó, kịch bản như ở Ý năm 2020, ở Ấn Độ năm 2021 đều có thể xảy ra.
TS Hùng khuyến cáo người dân dù đi lại ở đâu cũng nên phòng bệnh cho mình và bản thân. Vì chúng ta phải phát triển kinh tế song song với chống dịch nên người dân vẫn có thể đi lại du lịch giao thương. Tuy nhiên cần thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K.
PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho hay dù tình hình dịch trong nước đã ổn định nhưng hiện tại nguy cơ dịch bệnh từ ngoài vào Việt Nam rất cao khi các nước láng giềng là Campuchia (có chung đường biên giới trên bộ, trên biển), Lào (có chung đường biên giới trên bộ), Thái Lan, đã và đang tăng nhiều số lượng người nhiễm Covid-19. PGS Phu lo ngại hiện nay việc quản lý các trường hợp trong khu cách ly, nếu không chặt chẽ, có thể có ca nhiễm với biến chủng lây lan tốc độ nhanh, dẫn đến nguy cơ ghi nhận ca mắc mới nên người dân cần nghiêm chỉnh chấp hành phòng chống dịch Covid-19.
K.Chi