Chuyên gia phản pháo "gạch đá" cộng đồng mạng về bài toán tính gà
Tiến sỹ Vũ Thu Hương - Giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, trường ĐH Sư phạm Hà Nội |
Xung quanh bài toán tính số gà, suốt một tuần nay rất nhiều ý kiến từ phụ huynh cho tới các chuyên gia đã được đưa ra. Thậm chí có không ít ý kiến chỉ trích về trình độ nhận thức của những người làm công tác chuyên môn. Những tranh luận gay gắt và nóng đến mức mà Tiến sỹ Vũ Thu Hương (giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, trường ĐH Sư phạm Hà Nội) dù đang có một chuyến công tác ở nước ngoài vẫn gửi bài viết về tòa soạn Báo điện tử Infonet để bày tỏ những chia sẻ mong cho là lời kết cho cuộc tranh luận này.
PV Infonet xin được chia sẻ nội dung bức thư:
Điều đầu tiên, tôi thực sự ngạc nhiên vì dư luận quá quan tâm đến môn Toán. Bởi có một thực tế là học sinh Việt Nam chúng ta vốn được quốc tế đánh giá cao ở bộ môn này. Điều này đã chứng tỏ, các giáo viên đã và chương trình học đã thành công trong việc giảng dạy bộ môn.
Điều thứ hai tôi muốn nói với tôi không quá quan tâm về vấn đề toán học của bài toán tính số gà hay phép toán 8x4 hay 4x8. Bởi đó là việc của các nhà nghiên cứu toán học. Tuy nhiên, tôi chỉ muốn nhắc lại một điều đó là theo chương trình Bộ GDĐT đã đặt ra quy định từ đầu là phải viết như thế.
Vì thế, không phải chỉ học sinh mà giáo viên cũng phải tuân theo.
Ở đây chưa bàn đền vấn đề đúng hay sai mà đã là quy định thì phải nghe theo.
Việc này cũng giống như việc Việt Nam quy định mọi người khi tham gia giao thông phải chấp hành đi bên phải đường. Trong khi, ở Malaysia lại quy định đi bên trái. Nhưng người Malaysia sang Việt Nam thì dù là ngược quy định của họ, nhưng họ vẫn phải tuân theo, cho dù theo ý họ như thế là sai. Và nếu không tuân theo ắt sẽ bị phạt theo quy định.
Ngoài ra, nói về quy định, có lúc là sai, có lúc là đúng cũng là chuyện bình thường.
Tôi lấy một ví dụ về bài toán sau: 1-7=?
Với bài toán này nếu cô giáo cho học sinh cấp 1 làm thì cô hoàn toàn sai. Vì các em chưa được học về số âm. Nhưng nếu ra cho các em học sinh cấp 2 thì lại đúng đơn giản vì các em đã học số âm rồi.
Hay ví dụ khác, trước năm 2008 nếu chúng ta nói người Hà Tây là người Hà Nội là sai. Nhưng sau 2008 thì lại là đúng bởi nhà nước thay đổi về quy định.
Mọi người cần hiểu được một điều là tôi không phải là người viết sách, cũng không phải là giáo viên chấm bài đó. Khi báo chí nhờ tôi giải đáp, tôi chỉ trả lời theo đúng những gì mà Bộ GDĐT đã quy định cho chương trình giáo dục Tiểu học.
Hơn nữa, xin đừng hiểu rằng việc cô giáo chấm sai ở phương án đó không phải là hạn chế sự sáng tạo của học sinh. Mà là dù học sinh muốn làm thế nào đi nữa cũng phải tuân theo một quy định.
Cũng như việc tham gia giao thông mà không đi đúng quy định thì rất dễ xảy ra tai nạn và gây ra một sự rối loạn.
Và nếu Bộ GDĐT yêu cầu viết lại sách giáo khoa lúc đó sẽ bàn đến đúng sai, hợp lý.
Còn hiện nay, các cháu đang học theo quy định cũ, vậy đề nghị tất cả làm đúng theo quy định. Ai không nghe theo sẽ bị phạt.
Lời cuối tôi vẫn khẳng định một lần nữa: Riêng về bài toán đó cô giáo không chấm sai, không thể nói cô giáo có ý đồ trù dập học sinh vì điều này.
Cũng xin thay cho lời kết về câu chuyện này, là những người có trách nhiệm truyền thông, chúng tôi cũng mong độc giả xem xét lại một điều rằng, không chỉ TS Hương mà những chuyên gia xuất hiện trên báo chí giải thích cũng chỉ mong muốn giải đáp phần nào những thắc mắc của độc giả. Vậy nên những chỉ trích mang tính miệt thị của một số độc giả đối với họ là sự khiếm nhã vô cùng nghiêm trọng.