Chuyên gia Mỹ: Vụ thử tên lửa Triều Tiên chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”
Vụ thử tên lửa của Triều Tiên chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm” |
Ông Harry Kazianis, Giám đốc nghiên cứu quốc phòng thuộc Trung tâm vì lợi ích quốc gia (Mỹ) nhận định vụ thử mới nhất của Bình Nhưỡng mới chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”, nếu xét về năng lực tên lửa đạn đạo tiên tiến của nước này, bao gồm công nghệ chịu nhiệt vốn đóng vai trò then chốt trong tham vọng của Triều Tiên chế tạo tên lửa đạn đạo liên lục địa vươn tới Mỹ.
Phản ứng trước vụ phóng tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố rằng vụ phóng thử sáng nay không làm thay đổi cách tiếp cận của Hoa Kỳ đối với vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên, và Hoa Kỳ sẽ có biện pháp đối phó với tình trạng này.
"Chúng tôi sẽ giải quyết triệt để vấn đề này, cho dù đây là tình huống khó khăn mà chúng tôi sẽ phải đối phó", nhà lãnh đạo Mỹ nói. Ông Trump cũng nhấn mạnh với các nhà báo rằng “sẽ không có gì thay đổi” trong cách tiếp cận giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Rạng sáng ngày 29/11, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo từ tỉnh Nam Pyongan. Quân đội Hàn Quốc cho hay tên lửa Triều Tiên đã đạt độ cao 4.500 km và bay được 960 km trước khi rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.
Đây là vụ phóng tên lửa đạn đạo đầu tiên của Bình Nhưỡng kể từ ngày 15/9, khi Triều Tiên bắn một tên lửa đạn đạo tầm trung bay qua lãnh thổ Nhật Bản.
Như vậy, sau hơn 2 tháng im ắng, ngày 29/11 Triều Tiên đã tiếp tục phóng thử một tên lửa đạn đạo. Giới chuyên gia cho rằng nước này sẽ tiếp tục chương trình tên lửa của mình và “các vụ thử sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn”.