Chuyển đổi số, minh bạch thông tin giúp thị trường bất động sản phát triển bền vững
Ông Nguyễn Khắc Thế, Trưởng phòng Đo đạc bản đồ và cơ sở dữ liệu đất đai, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, "ngay từ đầu những năm 2000, chúng ta đã áp dụng công nghệ toàn đạc điện tử, công nghệ định vị vệ tinh toàn cầu để xây dựng bản đồ địa chính dạng số. Giai đoạn từ 2008 đến 2015 là giai đoạn Chính phủ đầu tư mạnh mẽ cho việc xây dựng đo đạc bản đồ địa chính, xây dựng hồ sơ và cơ sở dữ liệu địa chính làm cơ sở hiện đại hóa ngành quản lý đất đai".
Năm 2015, trên cơ sở Luật Đất đai năm 2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 75 quy định kỹ thuật về cơ sở dữ liệu đất đai. Trong đó quy định cơ sở dữ liệu đất đai bao gồm 4 thành phần là cơ sở dữ liệu địa chính; cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cơ sở dữ liệu giá đất và cơ sở dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai.
Đến nay có 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và đưa vào quản lý, vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu đất đai với thông tin dữ liệu số của hơn 43 triệu thửa đất được tích hợp.
Theo ông Thế, để khai thác tối đa hiệu quả cơ sở dữ liệu đất đai đã được đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu thông tin đất đai với các cơ quan liên quan như kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ quan thuế trong việc xác định nghĩa vụ tài chính khi người sử dụng đất thực hiện giao dịch về đất đai; kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thực hiện thanh toán nghĩa vụ tài chính về đất đai trên cổng dịch vụ công quốc gia.
Với kết quả đó, khi dữ liệu đất đai được chia sẻ và khai thác trong thị trường bất động sản sẽ giúp thị trường bất động sản minh bạch, phát triển ổn định và bền vững.
Trong thị trường bất động sản, thông tin về pháp lý của thửa đất, thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của thửa đất là rất quan trọng trong việc mua bán đất đai. Hiện nay, mặc dù, pháp luật đã có quy định về việc tiếp cận và khai thác thông tin đất đai, đảm bảo minh bạch và kịp thời, tuy nhiên, trên thực tế việc tiếp cận thông tin của người dân vẫn còn khó khăn.
Ông Thế cho rằng, khi cơ sở dữ liệu đất đai được chia sẻ và khai thác, người dân, tổ chức có thể truy cập tra cứu thông tin chính thống từ cơ quan quản lý trước khi quyết định mua một bất động sản, từ đó, góp phần làm minh bạch, ổn định thị trường bất động sản, giúp thị trường phát triển bền vững hơn.
Ngoài ra, để hỗ trợ chuyển đổi số trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, nhất là quản lý tài nguyên đất, giúp thị trường bất động sản minh bạch, bền vững hơn, ông Thế cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị Chính phủ và Quốc hội tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật đất đai. Trong đó đảm bảo hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia được xây dựng theo hướng tập trung thống nhất đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông trên phạm vi cả nước tạo hành lang pháp lý đầy đủ, toàn diện trong việc xây dựng, quản lý và khai thác hệ thống thông tin đất đai; bảo đảm các nguồn lực cho chuyển đổi số trong lĩnh vực đất đai.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, để góp phần giúp cho thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, cần nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản gắn với yêu cầu của nhiệm vụ chuyển đổi số, trong đó có các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ số.
Cùng với đó nghiên cứu sửa đổi, bổ sung luật Kinh doanh bất động sản, trong đó hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành về nhà ở, thông tin về các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội được cấp phép hàng năm, chỉ số giá một số loại hình bất động sản, cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch, đất đai... để tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân được tiếp cận các nguồn thông tin công khai, minh bạch, đủ độ tin cậy về thị trường.
Minh Thư