Doanh nghiệp tư nhân phục hồi mạnh, cần thêm thời gian để phục hồi hoàn toàn
Những thay đổi chính sách gần đây, bao gồm chính sách phòng chống và kiểm soát dịch bệnh; các biện pháp giảm thuế, phí, lãi suất; các biện pháp hỗ trợ thị trường lao động và cam kết của Chính phủ về hỗ trợ phục hồi nền kinh tế nằm trong Chương trình phục hồi kinh tế năm 2022-2023, cộng hưởng với sự phục hồi của tổng cầu nội địa và việc nối lại các chuỗi cung ứng, mở cửa du lịch đã đẩy nhanh tốc độ phục hồi của khu vực tư nhân.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các doanh nghiệp ngành dịch vụ hồi phục mạnh mẽ cùng với sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng; doanh nghiệp chế biến, chế tạo phản ứng tích cực, giúp ngành công nghiệp tăng tốc khá vững.
Trạng thái “bình thường mới” đã thúc đẩy mạnh mẽ các doanh nghiệp dịch vụ trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp ngành dịch vụ quay trở lại thị trường trong 9 tháng năm 2022 tăng tới 63% trong khi số thành lập mới tăng 36,8% so cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dịch vụ tiêu dùng gồm bán buôn, bán lẻ; lưu trú và ăn uống phản ứng rất tốt; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 62,5% và 62,4%; số doanh nghiệp thành lập mới tăng 37,5% và 67,4%, cùng với sự phục hồi của cầu tiêu dùng và du lịch, được phản ánh trong xu hướng tăng tốc của doanh số bán lẻ.
Doanh nghiệp ngành giáo dục và đào tạo trở lại hoạt động tăng 74,6% khi các trường học được mở cửa trở lại trên phạm vi toàn quốc; doanh nghiệp BĐS cũng trở lại hoạt động mạnh, tăng 77,3%, thành lập mới tăng 31,9% với xu hướng tăng trưởng nhanh của thị trường BĐS.
Trong khi đó, doanh nghiệp chế biến, chế tạo phản ứng tích cực, với tổng số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 9 tháng năm 2022 tăng 40,1%, trong khi số thành lập mới tăng 20,8%.
Theo TS. Trần Toàn Thắng - Trưởng Ban Kinh tế Ngành và Doanh nghiệp, Trung tâm Phân tích và Dự báo KT-XH (Bộ KH&ĐT) - mặc dù tình hình đã cải thiện nhưng “vết thương” do COVID-19 vẫn gây tác động âm ỉ lên khu vực tư nhân.
Số doanh nghiệp suy giảm khả năng chống chịu, đối mặt với các khó khăn về vốn, thị trường và khả năng thích ứng trong bối cảnh giá cả nguyên liệu đầu vào trong xu hướng tăng cao, dẫn đến buộc phải tạm ngừng hoạt động tiếp tục gia tăng.
Dữ liệu thống kê 9 tháng đầu năm 2022 cho thấy, số tạm ngừng hoạt động lên tới 62.544 doanh nghiệp, con số này thậm chí còn tăng cao (38,7%) so với số tạm ngừng hoạt động tích lũy trong 9 tháng năm 2021 – bao gồm cả thời điểm khó khăn nhất (quý III/2021) của kinh tế Việt Nam trong đại dịch.
Trong đó, doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng mạnh nhất trong khu vực bán buôn, bán lẻ, KHCN và dịch vụ tư vấn, xây dựng và chế biến, chế tạo. Bên cạnh đó, số tạm ngừng hoạt động và giải thế tương đương 67,7% số thành lập mới.
“Như vậy, xu hướng thanh lọc vẫn rất mạnh, các doanh nghiệp yếu hơn chưa thể vượt qua khó khăn để phục hồi sản xuất, kinh doanh vững chắc. Khả năng phục hồi hoàn toàn của khu vực doanh nghiệp tư nhân vẫn phải cần thêm thời gian”, TS. Trần Toàn Thắng nhấn mạnh.
Đáng chú ý, đầu tư tư nhân tăng dần và phục hồi mạnh trong quý III/2022. Tổng vốn đầu tư từ khu vực tư nhân đã tăng 10,8% so với cùng kỳ trong quý IV/2021 và 9,1% trong quý I/2022 cùng với sự cải thiện tích cực hoạt động của doanh nghiệp và thị trường. Đóng góp của khu vực tư nhân trong tổng đầu tư toàn xã hội đạt mức 58,6% trong quý III/2022, so với tỷ lệ 46,0% và 44,9% trong 2019-2020.
Việc tăng mạnh trong quý III/2002 giúp tăng trưởng đầu tư tư nhân bình quân 9 tháng đầu năm 2022 đạt 11% - quay trở lại mức trước đại dịch COVID-19.
Dù vậy, TS. Thắng cho rằng, các tác động từ sau đại dịch vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng, cùng với các yếu tố rủi ro mới khiến đầu tư tư nhân có thể chưa thể lấy lại đà tăng trưởng vững chắc.
“Như vậy, điểm mấu chốt ở thời điểm hiện nay nằm ở yếu tố thị trường, điều kiện sản xuất, kinh doanh và năng lực thích ứng của doanh nghiệp. Số liệu thống kê cho thấy, trong 9 tháng năm 2022, số doanh nghiệp thành lập mới tăng rất cao nhưng tổng vốn đầu tư đăng ký đưa vào thị trường chỉ tăng 6,4% so với cùng kì năm trước”, TS. Trần Toàn Thắng nói.
Chính phủ đang ráo riết thúc đẩy giải ngân đầu tư công và gói đầu tư thuộc Chương trình phục hồi kinh tế giúp đầu tư công tăng nhanh. Việc bắt đầu triển khai gói đầu tư công trong Chương trình phục hồi kinh tế được kì vọng rất lớn có thể mang lại hiệu ứng kích thích tăng trưởng kinh tế trực tiếp và gián tiếp.
Hiền Anh