Chút tiếc nuối với Sài Gòn từ “Phở Ông Hùng”

Từ Đà Nẵng vào lại Sài Gòn sau gần 6 – 7 năm, chút ghi nhận từ thương hiệu “Phở Hùng” khiến người viết bài này cảm thấy tiếc nuối cho văn hóa kinh doanh “chờ một chút” (quán có thể tính giá cao hơn nhưng khách vẫn vui lòng vì được đáp ứng yêu cầu)!

Kể cả bay đi, bay về và lưu lại Sài Gòn tổng cộng chỉ chừng 24 giờ nên người viết bài này không đủ thời gian để ghi nhận những đổi thay của “Hòn ngọc Viễn Đông” sau ngần ấy năm, ngoài cái cảm giác “người đông quá” và “thức ăn cứ ngòn ngọt” vốn đã “ám” vào mình từ nhiều năm trước.

Chút tiếc nuối với Sài Gòn từ “Phở Ông Hùng” - ảnh 1

Quán "Phở Ông Hùng" trên đường Trường Sơn dẫn ra sân bay Tân Sơn Nhất (Ảnh: HC)

Có điều, rất tình cờ, người viết bài này có dịp vào quán “Phở Ông Hùng” trên đường Trường Sơn dẫn ra sân bay Tân Sơn Nhất. Nói đến phở, hẳn nhiên trước hết phải nói đến phở Bắc. Cái “quốc hồn, quốc túy” của phở là nằm ở phở Bắc. Nhưng Sài Gòn cũng có những thương hiệu phở khá đình đám như “phở 24”, “phở Hùng”, “phở Hòa”...

“Phở 24” từng xuất hiện ở Đà Nẵng và người viết bài này từng nếm qua. “Phở Hòa” thì chưa. Riêng lần này được nếm “phở Hùng” ngay trên đất Sài Gòn. Đó cũng là một cái duyên. Vào quán, thấy treo tấm bảng “Phở Ông Hùng chính hiệu” thì càng yên tâm, mình tuy tình cờ nhưng lại tới đúng chỗ, chứ không phải lọt vào mấy nơi “hàng giả, hàng nhái”.

Bụng đói cồn cào thì đến “mầm đá” cũng ngon chứ đừng nói “phở Hùng”. Thế nên việc người viết bài này chén sạch “tô phở nhỏ” (thậm chí còn to hơn cả... “tô phở lớn” ở Đà Nẵng) cũng là điều dễ hiểu. Chỉ hơn ngạc nhiên một chút: Sợi phở trong tô “phở ông Hùng” khá dày, trông gần như sợi bột gạo, bột lọc nấu cháo bánh canh ở Đà Nẵng, ăn vào thấy hơi sừn sựt chứ không mảnh và mềm như sợi phở Bắc.

Chút tiếc nuối với Sài Gòn từ “Phở Ông Hùng” - ảnh 2

Sợi "phở ông Hùng" khá dày chứ không mảnh như sợi phở Bắc (Ảnh: HC)

Có thể, đó cũng là nét riêng khiến ông Tiền Kim Thành làm nên thương hiệu “phở Hùng” trên đất Mỹ từ những năm 1980 – 1990 trước khi đem về Việt Nam năm 2006 và lập nên hàng loạt chi nhánh ở Sài Gòn như thông tin được ghi trên tấm bảng “Phở Ông Hùng chính hiệu” treo trong quán. Cũng theo tấm bảng này thì năm 2014, tập đoàn Huy Việt Nam hợp tác với ông Tiền Kim Thành và cho ra đời thương hiệu “Phở Ông Hùng”.

Trở lại chuyện tình cờ bước vào quán “Phở Ông Hùng” trên đường Trường Sơn. Nhân viên phục vụ sau khi hỏi ăn tô to hay tô nhỏ thì hỏi có uống gì không và đưa ra menu với một loạt thức uống. Trời nắng nóng, ai nấy đều khát nước nên người viết bài này gọi mấy chai nước suối. Nhân viên phục vụ trả lời: “Ở đây không có bán nước suối!”. Ngạc nhiên đến mức... kinh hoàng, người viết bài này hỏi lại một lần nữa. Và câu trả lời vẫn thế!

Có lẽ nhiều người sẽ thắc mắc vì sao với một câu trả lời bình thường như vậy mà người viết bài này phải “ngạc nhiên tới mức... kinh hoàng?” Nhớ lại hồi năm 1996, khi vào Sài Gòn dự kỷ niệm 10 năm thành lập báo Thanh Niên, người viết bài này được anh Đặng Thanh Tịnh (lúc đó là Phó Tổng biên tập báo Thanh Niên) dẫn đi ăn trưa ở quán Trống Đồng.

Chút tiếc nuối với Sài Gòn từ “Phở Ông Hùng” - ảnh 3

Nhân viên của quán trả lời "không có" nên anh tài xế phải chạy ra xe lấy mấy chai nước suối vô cho mọi người uống... (Ảnh: HC)

Vốn là người Quảng, biết dân miền Trung vào Sài Gòn thường khó ăn nên anh chọn gọi những món sao cho càng ít cái vị “ngòn ngọt” càng tốt. Khi gọi rau muống xào tỏi thì cô nhân viên phục vụ khựng lại một chút rồi... tới hỏi một anh có vẻ là “cán bộ quản lý” của quán. Anh này trả lời thế nào không rõ, nhưng cô trở lại nói với chúng tôi: “Mấy món kia thì quán bọn em phục vụ ngay, còn rau muống xào tỏi thì các anh chịu khó chờ một chút!”.

Người viết bài này quá ngạc nhiên. Rau muống xào tỏi thì có gì khó đâu mà phải “chờ một chút”? Thực tế là món rau muống xào tỏi được đem ra sau cùng. Cũng bình thường, thậm chí rau xào chưa được xanh, chưa được giòn cho lắm. Nhưng dù sao được ăn món hợp khẩu vị giữa chốn “cái gì cũng beo béo, ngòn ngọt” là nhất lắm rồi!

Đến khi tính tiền, người viết bài này mới ngớ người ra. Sở dĩ phải “chờ một chút” vì quán Trống Đồng khi đó vốn không có món rau muống xào tỏi. Bởi thế anh quản lý phải xách xe chạy ra chợ mua rau muống về để nhà bếp xào cho khách. Cũng bởi chưa quen làm món này nên rau xào “chưa được xanh, chưa được giòn cho lắm”. Vậy mà mấy ông khách khó tính vẫn vui vẻ trả thêm “phí dịch vụ” phát sinh do cái món này mà ra.

Chút tiếc nuối với Sài Gòn từ “Phở Ông Hùng” - ảnh 4

Trong khi đối diện với quán "Phở ông Hùng" là khu "chợ đêm Sài Gòn" đang tấp nập người mua kẻ bán! (Ảnh: HC)

Trên đường về, anh Đặng Thanh Tịnh giải thích: “Văn hóa kinh doanh của Sài Gòn là vậy. Trừ trường hợp bất khả kháng thì không nói, chứ đã mở hàng quán thì không khi nào và không được phép trả lời với khách là không có. Chỉ được trả lời chờ một chút, rồi tìm cách đáp ứng yêu cầu của khách. Sau đó, dù có tính thêm phí dịch vụ thì khách cũng vui lòng vì yêu cầu của mình được đáp ứng. Khi quán đã làm mọi cách mà vẫn không thể đáp ứng được thì cũng chẳng có khách nào lấy đó làm chuyện phiền lòng!”.

Cái “văn hóa kinh doanh” độc đáo này “ám” vào đầu người viết kể từ đó. Trở về Đà Nẵng, vào quán nào mà nghe trả lời “không có” một cách dễ dãi thì người viết bài này đều đem câu chuyện “rau muống xào tỏi” ra kể cho họ nghe, như một bài học về “văn hóa kinh doanh, trình độ dịch vụ” học được từ Sài Gòn. Không phải tất cả nhưng hiện có khá nhiều cửa hàng, quán xá ở Đà Nẵng học theo cái “văn hóa kinh doanh” này trong cung cách phục vụ của mình.

Cũng bởi vậy mà người viết bài này đã cảm thấy “ngạc nhiên đến mức... kinh hoàng” khi nghe trả lời “không có nước suối” từ quán “phở Hùng”, hay “phở ông Hùng” như vừa kể ở trên. Càng “kinh hoàng” hơn khi ngay đối diện với quán này, ở phía bên kia đường, là khu “chợ đêm Sài Gòn”, dù gọi tên là “chợ đêm” nhưng giữa ban ngày vẫn nhộn nhịp người mua kẻ bán, chưa kể quanh đó là dày đặc các hàng quán khác.

Chút tiếc nuối với Sài Gòn từ “Phở Ông Hùng” - ảnh 5

"Phở ông Hùng" nghĩ gì khi khách phải tự đem nước suối vô uống bởi câu trả lời "không có" của quán? (Ảnh: HC)

Hẳn là mấy chỗ đó không thiếu nước suối, sao nhân viên “phở Hùng”, hay “phở ông Hùng” không chịu khó tới lấy về phục vụ cho khách nhỉ? Không thể nhịn khát ngồi chờ câu trả lời nên anh tài xế chở chúng tôi ra sân bay bèn chạy ra xe lấy mấy chai nước suối vô cho mọi người uống. Cũng may là trong xe anh có sẵn nước suối...

Trở về Đà Nẵng, người viết bài này tình cờ đi cùng chuyến bay với ông Phan Việt Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam. Đem câu chuyện trên kể với ông Cường, không ngờ ông cũng kể một chuyện tương tự. Đó là trong chuyến vào Sài Gòn công tác cách đây ít lâu, ông cùng vài người vào ăn tại quán “Phở ông Hùng” ở khu Phú Mỹ Hưng.

Ông Cường cũng gọi mấy chai nước suối nhưng quán này trả lời “chỉ còn 1 chai” trong khi ở phía đối diện có mấy quán nước giải khát. Chẳng lẽ đang ngồi quán “phở ông Hùng” mà phải chạy qua đó mua mấy chai nước suối về uống, nên cả bàn ông Cường đành phải chia nhau chai nước suối còn lại duy nhất trong quán!

Không thể lấy mỗi chuyện từ mấy quán “phở ông Hùng” để kết luận về “văn hóa kinh doanh” theo kiểu “không có” xuất hiện ở Sài Gòn. Nhưng dù sao đây cũng là thương hiệu có tiếng trên đất Sài thành, nên nó cũng phần nào phản ảnh sự thay đổi trong cung cách phục vụ.

Chẳng lẽ cái văn hóa kinh doanh “chờ một chút” (quán có thể tính giá cao hơn bình thường nhưng khách vẫn vui lòng vì được đáp ứng yêu cầu) đã trở thành “hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”, và nay thì cách phục vụ theo kiểu “không có” (khiến quán mất thu, còn khách phiền lòng) lên ngôi? Nếu vậy thì thật là một điều tiếc nuối với Sài Gòn!

HẢI CHÂU

Kỹ sư công nghệ về quê nuôi ốc, thu nhẹ lãi nửa tỷ mỗi năm

Sau hơn 4 năm về quê khởi nghiệp, đến nay chàng kỹ sư trẻ đang sở hữu trại ốc sinh sản với 22 ao bạt cùng khoảng 6.000m2 hồ nuôi ốc thương phẩm. Mỗi năm, anh nhẹ nhàng bỏ túi tiền lãi gần nửa tỷ đồng.

Chương trình Net Zero của Vinamilk nhận giải Doanh nghiệp Trách nhiệm châu Á

Vinamilk là doanh nghiệp ngành sữa duy nhất của châu Á được vinh danh tại hạng mục “Green Leadership” (Lãnh đạo xanh) trong khuôn khổ giải thưởng Doanh nghiệp Trách nhiệm châu Á (AREA).

Ngân hàng chưa mạnh tay phong tỏa, khóa tài khoản lừa tiền, vì sao?

Một ngân hàng lớn đã lên danh sách các tài khoản đáng ngờ suốt 3 năm nay. Từ 1/7, các ngân hàng có quyền mạnh tay quyết định phong tỏa hoặc đóng tài khoản có dấu hiệu lừa đảo.

SHB - ngân hàng tài trợ bền vững tốt nhất dành cho doanh nghiệp SME

Với các giải pháp tài chính bền vững cùng sản phẩm, dịch vụ số đa dạng dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, SHB vừa được vinh danh là “ngân hàng tài trợ bền vững tốt nhất dành cho doanh nghiệp SME”.

Khách chuyển khoản đi, tiền bị phanh lại, ngân hàng gửi tin nhắn sững sờ

Câu chuyện một khách hàng chia sẻ, khi một người nhắn tin đề nghị chuyển khoản thanh toán cho món hàng vừa ship, chị thực hiện chuyển tiền, bất ngờ giao dịch bị phanh lại cùng dòng chữ cảnh báo khiến khách vô cùng kinh ngạc.

Xác thực sinh trắc học không có nghĩa là không còn tồn tại lừa đảo

Xác thực sinh trắc học sẽ làm “sạch” tài khoản ngân hàng, ngăn chặn được mua bán hay cho thuê tài khoản. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp an toàn tuyệt đối để phòng chống lừa đảo trực tuyến.

TH ra mắt bộ sản phẩm sữa chua ăn Top Cup hoàn toàn mới

Tập đoàn TH ra mắt bộ sản phẩm sữa chua ăn Top Cup cao cấp, hoàn toàn từ thiên nhiên, được coi là một “thế hệ sữa chua mới”, với cách thưởng thức độc đáo khi kết hợp sáng tạo sữa chua sánh mịn cùng phần Top Cup (topping) để riêng mới lạ.

Imexpharm khởi động dự án nâng cấp hệ thống quản trị doanh nghiệp

Ngày 3/7, Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm và Deloitte Việt Nam khởi động dự án nâng cấp hệ thống SAP ECC lên SAP S/4HANA, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, phục vụ tốt hơn cho khách hàng và đối tác.

Xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền sẽ giải quyết triệt để vấn nạn lừa đảo

Khi đã đăng ký xác thực khuôn mặt, nếu người dùng lỡ bị kẻ lừa đảo lấy được mã đăng nhập và mã giao dịch thì lệnh chuyển tiền đó vẫn không thể thực hiện được, do khuôn mặt xác thực không phải của chủ tài khoản.

KEL Award - vinh danh những tài năng xuất sắc trong thương mại điện tử B2B

Giải thưởng dành cho Nhà lãnh đạo Thương mại Điện tử (KEL Award) lần đầu tiên, được thiết kế để vinh danh những nhà cung cấp thương mại điện tử xuất sắc trong các khu vực Nam Á và Đông Nam Á.