Chứng khoán ACB lên tiếng về tin đồn liên quan giao dịch cổ phiếu Eximbank
Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) chiều muộn ngày 10/2 đã có văn bản phản hồi về tin đồn liên quan đến một số giao dịch cổ phiếu EIB của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank).
Chứng khoán ACB cho biết, vào ngày 10/02/2023, ACBS nhận được thông tin về việc một số hội nhóm và diễn đàn đưa hình ảnh và diễn giải thông tin sai lệch về việc ACBS là bên có liên quan đến một số giao dịch của mã chứng khoán EIB.
ACBS khẳng định không tham gia vào bất cứ giao dịch hoặc có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến giao dịch mã chứng khoán EIB nói trên. ACBS cho biết, trong suốt quá trình hoạt động, công ty này luôn tuân thủ theo quy định của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Việc đưa thông tin không chính xác về ACBS được coi là hành vi vu khống, gây ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu ACBS. Cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin không chính xác phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Trong phiên giao dịch ngày 10/2, cổ phiếu EIB của Eximbank bất ngờ giảm sàn vào cuối phiên, trái ngược với có những thời điểm “xanh” trong phiên. Cổ phiếu EIB giảm 1.700 đồng xuống 22.950 đồng/cp. So với cuối năm 2022, cổ phiếu EIB giảm gần 18%.
Eximbank báo lợi nhuận trước thuế đạt 2.504 tỷ đồng trong năm 2022, gấp 3 lần năm 2021.
Trong năm 2022, Eximbank ghi nhận nhiều đợt chuyển nhượng cổ phiếu quy mô lớn, mỗi lần vài chục cho tới cả trăm triệu cổ phần được chuyển nhượng, đánh dấu sự thay đổi cơ cấu cổ đông lớn chưa từng có.
Cổ đông chiến lược nước ngoài Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) gần đây bán 133 triệu cổ phiếu EIB và không còn là cổ đông lớn tại Eximbank sau khi cuộc chiến quyền lực xảy ra giữa các nhóm cổ đông của Eximbank và kéo dài cả thập kỷ.
Ngày 16/1, Sumitomo Mitsui Banking Corporation của Nhật Bản có thông cáo cho biết đã quyết định chấm dứt liên kết vốn với Eximbank và giảm tỷ lệ sở hữu vốn tại EIB xuống dưới 5%.
Nhóm Thành Công cũng đã thoái toàn bộ vốn khỏi Eximbank, với tổng giá trị ước tính khoảng 5.000 tỷ đồng.
Trong nhiều năm, Eximbank rơi vào vòng xoáy khủng hoảng trong ban lãnh đạo doanh nghiệp do mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông.
Tình hình chỉ ổn định sau khi bà Lương Thị Cẩm Tú (1980), nguyên là thành viên HĐQT, được bầu giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VII (2020-2025) trong đại hội cổ đông hồi tháng 2/2022 với số phiếu biểu quyết 7/7, thay cho Ông Yasuhiro Saitoh.
Eximbank chọn được người lèo lái sau khi các nhóm cổ đông lớn tại ngân hàng này tìm được tiếng nói chung và chọn bà Lương Thị Cẩm Tú là người đại diện cho quyền lợi của các bên tham gia như: nhóm NamABank, nhóm Thành Công, Bamboo Capital, nhóm cổ đông Nhật SMBC…
Trước đó, từ cuối năm 2015 đến tháng 10/2022, Eximbank ghi nhận 8 lần đổi chủ tịch, từ Lê Hùng Dũng sang ông Lê Minh Quốc, sang bà Lương Thị Cẩm Tú, rồi ông Lê Minh Quốc, ông Cao Xuân Ninh, đến ông Yasuhiro Saitoh, ông Nguyễn Quang Thông, trở lại với ông Yasuhiro Saitoh và hiện là bà Lương Thị Cẩm Tú.
Mạnh Hà