Chửa góc sừng, đe dọa tính mạng sản phụ
Tới một mức độ nhất định, có thể là vài tuần hoặc có trường hợp thai tồn tại đến 4 – 5 tháng khối thai sẽ vỡ và chảy máu ồ ạt trong ổ bụng gây nguy hiểm tính mạng sản phụ.
Chửa góc sừng, đe dọa tính mạng sản phụ |
Thai góc sừng tử cung (hay chửa góc sừng tử cung) là một dạng của thai ngoài tử cung. Thai góc sừng tử cung là một bất thường về vị trí làm tổ của thai chứ không phải là bất thường của thai.
Bình thường buồng tử cung có hình tam giác với đáy quay lên phía trên và đỉnh quay xuống dưới, hai góc ở phía trên tương ứng với góc của tử cung hay còn gọi là sừng tử cung nơi có sự kết nối với vòi trứng. Khi thai làm tổ bao giờ cũng làm tổ ở giữa buồng tử cung, nhưng vì một lý do nào đó mà thai làm tổ ở một góc thì lúc đó gọi là chửa góc tử cung hay chửa sừng tử cung (hoặc thai đoạn kẽ của vòi tử cung).
Khi thai phát triển to dần, vị trí kẽ vòi tử cung không còn phù hợp với kích cỡ này của thai nên cơ tử cung ở đoạn góc sừng sẽ bị phồng và giãn ra, tới một mức độ nhất định, có thể là vài tuần hoặc có trường hợp thai tồn tại đến 4 – 5 tháng khối thai sẽ vỡ và chảy máu ồ ạt trong ổ bụng gây nguy hiểm tính mạng sản phụ.
Nếu thai phụ đến sớm, nồng độ βHCG thấp và đúng chỉ định có thể tiêm thuốc (methotrexate) để làm cho phôi không phát triển được và tiêu tan các tế bào. Sau khi tiêm, vẫn phẩi theo dõi nồng độ hormon HCG (kích dục tố nhau thai), nếu còn cao thì cần tiêm thêm methotrexate lần nữa (Hiện nay, tại khoa Phụ Sản - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An phương pháp điều trị nội khoa thai ngoài tử cung được điều trị thường quy khi đúng chỉ định).
Nếu tiêm thuốc không có tác dụng hay bệnh nhân không thể dùng được methotrexate hay cần theo dõi tiếp thì có thể cần can thiệp soi ổ bụng để quan sát sau đó cắt bỏ khối chửa ngoài tử cung. Trường hợp chảy máu nặng do vỡ vòi tử cung, cần phẫu thuật để lấy đi vòi trứng đã tổn thương nặng hay khâu phục hồi. Có khi phải kết hợp truyền máu để chống truỵ tim mạch.
Trước đây, khi trang thiết bị còn hạn chế, các trường hợp thai ngoài tử cung ở góc sừng người ta phải mổ hở. Hiện nay, cùng với sự đầu tư trang thiết bị đầy đủ và phẫu thuật viên được đào tạo bài bản thì những trường hợp thai ngoài tử cung ở góc sừng hoàn toàn có thể được xử trí bằng phẫu thuật nội soi ổ bụng, nhằm đem lại sức khỏe tốt nhất cho người bệnh.
Một ca phẫu thuật nội soi bảo tồn tử cung cho bệnh nhân chửa góc sừng tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An |
Tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, các bác sỹ đã tiến hành phẫu thuật nội soi cắt bỏ khối chửa góc sừng giúp bảo tồn tử cung cho bệnh nhân từ nhiều năm nay và tỷ lệ thành công gần như tuyệt đối.
Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2020, bệnh viện đã phẫu thuật bằng phương pháp mổ nội soi cho hơn 20 trường hợp có thai ngoài tử cung chửa góc sừng. Với phương pháp phẫu thuật nội soi bảo tồn tử cung này giúp bệnh nhân giảm chấn thương, giảm chảy máu, quá trình hậu phẫu sẽ diễn ra nhẹ nhàng, người bệnh cũng phục hồi sức khỏe nhanh hơn sau phẫu thuật, đồng thời việc tử cung được bảo tồn sẽ giúp bệnh nhân không thay đổi về mặt tâm, sinh lý.
Ths. BSNT. Nguyễn Xuân Chung - Khoa Phụ Sản, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết:" Khi có thai thì mạch máu tăng sinh, bất kỳ can thiệp nào tới khối thai cũng sẽ gây chảy máu, do đó việc phẫu thuật chửa ngoài tử cung ở góc sừng tử cung khá phức tạp do bác sỹ phải mở góc sừng để lấy khối thai ra và khâu lại, nếu không cầm được máu bắt buộc phải cắt tử cung của bệnh nhân.
Chúng tôi đã sử dụng thủ thuật Tourniquet trong y học, nghĩa là thắt tạm thời động mạch tử cung và khâu vòng khối chửa góc sừng để mở góc sừng không gây chảy máu, sau khi cắt bỏ được khối chửa góc sừng , tiến hành khâu lại đảm bảo cầm máu rồi cắt nới chỉ ra, trường hợp cắt chỉ mà rỉ máu thì các bác sỹ để nguyên chỉ đó vì sau một thời gian chỉ đó sẽ tiêu đi bởi khối chửa khi đã được cắt bỏ thì nội tiết giảm xuống, tử cung nhỏ lại khi đó chỉ sẽ nới lỏng ra, động mạch lưu thông lại bình thường, tử cung được bảo tồn thành công".
Ths. BSNT. Nguyễn Xuân Chung khuyến cáo: phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, đặc biệt là với những người đã từng sinh mổ khi thấy chậm kinh từ 7 – 10 ngày cần đi siêu âm để xác định chính xác vị trí làm tổ của thai, nhằm phát hiện sớm những vị trí thai bất thường để có những chỉ định can thiệp kịp thời, phù hợp, tránh các biến chứng. Đặc biệt, tần suất thai ngoài tử cung thường hay tăng cao khi người phụ nữ mắc một số bệnh lý phụ khoa kèm theo, do đó nên thăm khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần.
N. Huyền
Chuyên gia sản khoa: Đẻ con to lo hơn mừng
Các chuyên gia cho rằng sinh con to lo nhiều hơn mừng bởi đứa trẻ sơ sinh trên 4000 gram có nguy cơ suy hô hấp, hạ đường huyết sơ sinh cao hơn đứa trẻ sơ sinh có cân nặng bình thường.