Chủ tịch Hà Nội: “Chính quyền TP bị doanh nghiệp chê rất nhiều”
Đã có ý kiến so sánh Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp Hà Nội diễn ra sáng 22/3 giống như “Hội nghị Diên Hồng” tháo gỡ khó khăn cho DN. Cho rằng “chưa đến mức” như vậy, nhưng Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cũng thừa nhận, hội nghị này rất quan trọng và cần thiết vào thời điểm này.
Hội nghị đã thu hút hàng trăm doanh nghiệp, các sở ban ngành trên địa bàn và được tổ chức sau ít ngày chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được công bố. Mải mê chia sẻ với doanh nghiệp, không ít lần Chủ tịch thành phố phải “xin phép” hội nghị, vì đã đến quá trưa nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần nói.
![]() |
Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo thẳng thắn cho rằng, chính quyền Hà Nội đang bị doanh nghiệp chê rất nhiều |
2012 là một vô cùng năm khó khăn của doanh nghiệp, thậm chí còn khó khăn hơn cả mức dự bảo. Ông Thảo cho rằng, với những doanh nghiệp “khỏe” sẽ có sức đề kháng tốt hơn. Ngược lại với đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn, tuy không “khỏe” bằng, nhưng cũng rất kiên trì, nỗ lực vượt khó. “Đây là đóng góp vô cùng đáng quý của doanh nghiệp”.
Đánh giá chung về tình hình kinh tế thời gian qua, ông Thảo cho biết, các mặt hàng tồn kho nhiều, bất động sản chưa được khơi thông, nợ xấu có xu hướng gia tăng, nhiều doanh nghiệp chưa có khả năng phục hồi, luôn có nguy cơ phá sản…
Mặc dù vậy theo nhận định trong thời gian tới, cả kinh tế thế giới và trong nước sẽ còn nhiều khó khăn hơn nữa. Thực tế này trở thành một thách thức lớn không chỉ của riêng Hà Nội.
Mục tiêu lớn và khó khăn nhất lúc này là vấn đề giải quyết hàng tồn kho. Đặc biệt với mặt hàng VLXD, Hà Nội đang áp dụng chính sách kích cầu đầu tư công “có trọng điểm”. Nghĩa là nhà nước mua gạch, đá, xi măng sắt thép…cho các vùng nông thôn. Người dân từng vùng sẽ tự bỏ công ra làm đường. Trong thời gian qua, Hà Nội đã dành 800 tỷ đồng phục vụ chủ trương này, và sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới.
Hay với hàng hóa bất động sản, ông Thảo cũng nói thẳng với doanh nghiệp, rằng “Hà Nội sẽ mua nhà ở thương mại theo giá thị trường để phục vụ tái định cư”. Tuy nhiên Chủ tịch Hà Nội cũng khuyến cáo từng doanh nghiệp phải biết “chịu trách nhiệm” trước tiên với sản phẩm mình làm ra. Không nên cứ “găm giữ hàng, chờ giá lên mới bán”.
![]() |
Chủ tịch Hà Nội ví von "doanh nghiệp là tế bào, còn vốn chính là máu". Ảnh IT |
“Tôi được biết để giải quyết hàng tồn kho, có nước đã phải bán đồng giá 1 đô cho tất cả các sản phẩm trong vòng 1 giờ. Chúng ta cũng cần linh hoạt, học theo cách bán hàng như vậy”.
Khó khăn, thách thức không kém với vấn đề hàng tồn kho là nguồn vốn và lãi suất cho vay. Ông Thảo ví von “nền kinh tế là cơ thể, doanh nghiệp là tế bào, còn vốn chính là máu. Thiếu máu doanh nghiệp sẽ yếu. Vì thế vấn đề cốt lõi vẫn phải giải quyết được nguồn vốn”.
Chủ tịch Hà Nội lưu ý phía ngân hàng phải làm thế nào để doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn dễ dàng hơn. Góp phần hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, trong năm qua Hà Nội đã hoãn hàng chục nghìn tỷ đồng tiền thuế...
Một trong những mối quan tâm lớn Chủ tịch Hà Nội đề cập đến tại hội nghị này là vấn đề chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh vừa mới được công bố. Thật đánh buồn khi Hà Nội lại tiếp tục tụt hạng về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Từ vị trí thứ 36 của năm ngoái, thì năm nay Hà Nội đã rớt 15 bậc, xếp ở vị trí 51.
Trước cái sự “tụt dốc không phanh” này, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo thẳng thắn nói trước hàng trăm doanh nghiệp và đông đủ các sở, ban, ngành Hà Nội: “Chỉ số năng lực cạnh tranh của Hà Nội càng ngày càng tụt hạng. Điều đó chứng tỏ doanh nghiệp đang chê Hà Nội rất nhiều. Hà Nội càng tụt hạng, càng chứng tỏ doanh nghiệp chê chính quyền nhiều hơn”.
Không chấp nhận thực trạng này, người đứng đầu Hà Nội cho biết sẽ phân tích thật kỹ lưỡng từng nguyên nhân một. Thời gian tới, Hà Nội sẽ tổ chức thường xuyên các cuộc hội thảo để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng từ phía doanh nghiệp.
Hà Nội đã thể hiện một quyết tâm lớn. Nhưng kết quả thế nào thì doanh nghiệp, người dân sẽ phải chờ đợi, dõi theo.