Chủ doanh nghiệp than khốn khổ vì... hội làng
Ông Nguyễn Tuấn Nghĩa – Giám đốc Công ty Cổ phần ĐTTM và XNK Hà Linh cho biết: Công ty bắt đầu làm việc từ ngày Mồng 7 tháng Giêng âm lịch (tức ngày 11/2/2019), nhưng ngay trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới, ông đã nhận được hàng chục cuộc điện thoại, tin nhắn xin nghỉ của công nhân.
Người thì lí do là có giỗ, người thì “bận” giúp vợ đi cấy nốt mấy sào ruộng, người thì còn muốn vui nốt mấy ngày hội làng… nói chung là muôn hình ngàn vẻ, mà không cho nghỉ thì kiểu gì họ cũng sau rằm tháng Giêng mới đến Công ty.
“Do là doanh nghiệp sản xuất nên công nhân Công ty tôi chủ yếu là lao động phổ thông, được tuyển từ các làng quê. Thường thì người được tuyển thấy công việc và thu nhập ổn định nên giới thiệu nhau cùng đi làm. Thế nên sau Tết Nguyên đán hoặc khi có hội làng, cả chục công nhân xin nghỉ cùng lúc khiến doanh nghiệp không kịp sắp xếp,” ông Nguyễn Tuấn Nghĩa nói.
Làm một phép tính đơn giản, một doanh nghiệp sử dụng lao động của 5 làng, nếu 5 làng đó đều tổ chức hội làng trong cùng 1 tháng, mỗi hội diễn ra trong 3 ngày, doanh nghiệp sẽ phải đóng trong… gần 1 tháng.
Lễ hội kéo lửa, thổi cơm làn Thị Cấm – Xuân Phương – Nam Từ Liêm – Hà Nội. Ảnh: Vũ Văn Hoàng. |
Cùng nỗi khổ như ông Nghĩa, ông Nguyễn Huy Thắng – Giám đốc một công ty chỉ may giãi bày: “Tôi vừa nhận hợp đồng cung cấp 20.000 cuộn chỉ may cho một công ty may mặc, thời gian giao hàng là 3 ngày. Hợp đồng vừa ký xong thì công nhân nhuộm lần lượt lên xin nghỉ để đi… hội làng. Không đồng ý cho nghỉ, họ vừa làm vừa để tâm vào những đám rước ở quê được bạn bè đưa lên facebook, thành thử cả mẻ nhuộm mấy nghìn cuộn chỉ bị sai màu, phải hủy. Không chỉ bị thiệt hại vì đống chỉ lỗi bỏ đi mà công ty tôi còn bị đối tác phạt hợp đồng vì giao hàng chậm.”
Việc người lao động thường xuyên xin nghỉ với lý do hội hè, đình đám, không chỉ gây khó khăn cho chủ doanh nghiệp và thiệt hại cho công ty, ngay bản thân người lao động nhiều khi cũng lãnh hậu quả.
Anh Nguyễn Minh Thành, tổ trưởng một tổ thợ chuyên thi công phào chỉ cho các công trình dân dụng cho biết, đầu năm mới, anh phấn khởi nhận được hợp đồng thi công thi công 100m2 phào cho một quán karaoke, nhưng làm được 1 ngày, anh và ba người thợ đã cùng về đi hội làng.
Công ty gọi năm lần bảy lượt tổ thợ của anh cũng không xuống vì còn… chưa xong hội. Hết hội, xuống đến nơi cũng là lúc tổ thợ khác đã làm xong. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc anh Thành và những người bạn của mình không bao giờ được công ty giao việc vì đã không hoàn thành trách nhiệm.
Hội làng là một nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang tính làng xã từ lâu đời của nhiều làng quê Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, làng nào cũng hội, năm nào cũng hội với thời gian kéo dài từ 1-3 ngày đã gây không ít tốn kém về tiền bạc và thời gian.
Nhiều chủ doanh nghiệp tư nhân cho biết, mỗi năm đến mùa lễ hội, tết nhất là thấy sợ. Vào dịp Tết Nguyên đán, ngay từ trước ngày Táo quân chầu trời, tinh thần làm việc của người những công nhân làm ăn xa đã rệu rã, chỉ nghĩ đến việc về quê. Sau Tết, hầu hết các doanh nghiệp trở lại làm việc từ khoảng mùng 6 hoặc mùng 7 tháng Giêng, người lao động nại đủ lí do để ở nhà.. ăn rằm tháng Giêng. Đó là chưa kể, họ hàng có ma chay, hiếu hỉ, việc họ, việc làng, họ đều xin nghỉ một vài ngày.
Nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do mới có hiệu lực. Tuy nhiên, nếu người lao động vẫn giữ thói quen làm việc kiểu “làng xã”, các doanh nghiệp sẽ là đối tượng lãnh đủ.