Cho trường ĐH tự chủ thì nguy?
Cho trường ĐH tự chủ thì nguy?
Một trong những vấn đề thực tế được các ĐB quan tâm khi đề cập đến vấn đề GDĐH hiện nay là thực trạng sinh viên ra trường đào tạo lại còn cao.
Có ĐB cho rằng, trong Luật GDĐH cần có một chương nói về giáo dục thường xuyên. Loại hình đào tạo này nhiều nhưng chất lượng thấp. Mặc dù bằng cấp như nhau nhưng xã hội chưa chấp nhận sự ngang nhau đó. Vì thế phải đưa ra quy định rõ ràng đối với mảng giáo dục thường xuyên trong Luật GDĐH.
Từ thực tế trên, nhiều ĐB đều thống nhất quan điểm phải có sự phân tầng và xếp hạng GDĐH. Việc làm này nên giao cho Chính phủ quy định.
“Phân tầng để tránh đầu tư dàn trải, và định hướng đầu tư hợp lý. Nhà nước nên đầu tư vào lĩnh vực, vào những trường trọng điểm chất lượng cao, có danh tiếng trên thế giới” – ĐB Phạm Thị Hồng Nga, thuộc đoàn Thành phố Hà Nội chia sẻ.
Đa số các ĐB thống nhất thông qua Luật GDĐH |
Liên quan đến trình độ của đội ngũ giảng viên, ĐB Nga cho rằng, đội ngũ giảng viên có trình độ thạc sĩ hiện mới đạt khoảng 50%, Tiến sĩ chưa được 10% trên tổng số 50 nghìn giáo viên trong cả nước.
Với trình độ như vậy sẽ không thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong nền giáo dục. Vì thế ĐB Nga và nhiều ĐB khác nhất trí với việc xây dựng chuẩn giảng viên trong Luật GDĐH.
Đồng tình với giải pháp giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường như trong Luật GDĐH soạn thảo, nhưng nhiều ĐB cho rằng, việc làm này cần thực hiện một cách có lộ trình. Nếu trao quyền tự chủ không có công cụ quản lý sẽ rất nguy hiểm vì dễ xảy ra tình trạng tuyển sinh ồ ạt, mô hình đào tạo không đạt yêu cầu sẽ dẫn đến thực trạng SV ra trường không ai nhận, vì trình độ không đáp ứng được nhu cầu.
“Chất lượng GDĐH chưa đáp ứng được nhu cầu, sinh viên ra trường phải đào tạo lại. Vì thế chúng ta phải xem xét lại chất lượng đầu ra” – ĐB Trần Văn Bản, Bình Định chia sẻ.
Riêng đối với vai trò của ĐH Quốc Gia hiện nay, nhiều ĐB đều có quan điểm, không nên quy định là ĐH chất lượng cao. Bởi lẽ có chất lượng cao hay không phải qua thực tế kiểm nghiệm. Chất lượng cao là cả quá trình phấn đấu. Luật GDĐH cần tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh…
Trước những ý kiến đóng góp của các ĐB Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, hiện chúng ta đã triển khai vấn đề phân tầng và xếp hạng quy định.
Thủ tướng Chính phủ đã thành lập danh mục trường ĐH chất lượng cao, và đang xây dựng hai trường ĐH xuất sắc. Bên cạnh đó các trường ở khu vực Tây Bắc cũng đã thành lập trường đa ngành.
Vấn đề nhức nhối đang được hầu hết các bậc phụ huynh và ĐB Quốc hội quan tâm là nhu cầu chỗ ở của sinh viên.
ĐB Nguyễn Thanh Thảo, Đồng Tháp cho rằng, SV muốn học tập tốt thì phải được vui chơi giải trí, có chỗ ăn ở ổn định. Nhưng trên thực tế nhiều trường ĐH hiện không có KTX, khiến sinh viên phải thuê nhà trọ giá đắt, môi trường sinh hoạt, học tập không đảm bảo. ĐB Thảo kiến nghị ban hành quy định các trường ĐH phải xây dựng KTX cho SV ở trong quá trình học tập.
“Lo ngại đầu tiên của SV và cha mẹ khi các em bước vào cổng trường ĐH là nơi ở trọ. Đi qua các khu trọ của SV chúng ta thực sự chưa yên tâm. Vì thế cần bổ sung quyền được ở KTX cho sinh viên và bắt buộc các trường phải có đủ KTX. Đó cũng là giải pháp để nâng cao chất lượng GDĐH” – ĐB Bùi Mạnh Hùng, tỉnh Bình Phước chia sẻ.
Đồng tình với chủ trương phải xây dựng KTX cho SV, bên cạnh đó ĐB Triệu Thị Nái, Hà Giang còn kiến nghị giảm mức lãi suất vay vốn tín dụng cho SV nói chung, các SV thuộc hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số nói riêng.
Tại phiên thảo luận sáng nay, nhiều ý kiến thống nhất và đề nghị Quốc hội thông qua Luật GDĐH.
Nguyễn Dũng