Cho con dùng mạng xã hội bố mẹ cần biết những mẹo kiểm soát tối ưu
Môi trường mạng internet chứa đựng kho thông tin khổng lồ với rất nhiều kiến thức, nhiều tiện ích hay, đáp ứng nhu cầu của con người, mang đến rất nhiều điều bổ ích cho trẻ em, song cũng là “cái bẫy” gây ra hậu quả khôn lường nếu trẻ tự do dùng mạng thiếu đi sự giám sát của người lớn.
Chuyên gia an ninh mạng Ngô Việt Khôi cho biết, khi sử dụng mạng xã hội càng lâu thì những thông tin để vẽ lại chân dung về thói quen về sở thích của người dùng càng rõ ràng. Thói quen này tạo nên cơ sở dữ liệu lớn của mỗi cá nhân, là thông tin mà các đơn vị vận hành mạng xã hội thu thập qua từng ngày, từng giờ. Những dữ liệu này sẽ được công nghệ trí tuệ nhân tạo phân tích, xử lý và đưa ra phán đoán hành vi của cá nhân.
Vì vậy, theo các chuyên gia thì trẻ em và gia đình cần học hỏi các kiến thức và kỹ năng số thiết yếu. Những quy định về hành vi, chuẩn mực trong cuộc sống thật cũng nên được áp dụng cho môi trường ảo để các em có thể trở thành những công dân số chuẩn, có trách nhiệm.
Nhằm góp phần bảo đảm bảo an toàn cho trẻ trên không gian mạng, thời gian qua Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cũng đã đưa ra một số khuyến nghị về vấn đề này.
Cụ thể, những mẹo công nghệ giúp cha mẹ bảo vệ trẻ trên môi trường mạng như: Cài đặt chế độ kiểm soát; Bật tính năng Tìm kiếm An toàn trên trình duyệt, cài đặt bảo mật riêng tư nghiêm ngặt trên các ứng dụng và trò chơi trực tuyến, che hoặc tắt webcam khi không sử dụng.
Cha mẹ hãy tạo lập thói quen trực tuyến an toàn, trong đó nên khuyến khích trẻ tham gia xây dựng các quy định trong gia đình về sử dụng thiết bị lành mạnh, hướng dẫn trẻ cách giữ kín thông tin cá nhân, tạo lập các khoảng không gian, thời gian không có thiết bị trong nhà (ăn, ngủ, chơi, học). Cha mẹ nhắc nhở trẻ rằng những gì đăng tải lên môi trường mạng như tin nhắn, hình ảnh và video sẽ không thể thu hồi.
Dành thời gian với trẻ trên mạng, cùng trẻ khám phá các trang web, trang mạng xã hội, trò chơi và ứng dụng, nói chuyện với trẻ đặc biệt trẻ lứa tuổi "teen" về cách báo cáo những nội dung không phù hợp.
Việc cha mẹ giao tiếp cởi mở với con sẽ góp phần giúp trẻ an toàn hơn trên mạng. Cha mẹ có thể nói với con rằng nếu con có trải nghiệm không tốt trên mạng thì có thể chia sẻ với bố mẹ.
Đặc biệt, cha mẹ nên chú ý đến các dấu hiệu phiền muộn ở trẻ, đặc biệt các biểu hiện như thu mình, buồn bã, giữ bí mật, bị ám ảnh bởi các hoạt động trực tuyến.
Ngoài ra, cha mẹ nên tạo mối quan hệ tin cậy, hỗ trợ và động viên, khích lệ. Mỗi đứa trẻ là duy nhất và giao tiếp theo những cách khác nhau, vì vậy cần điều chỉnh thông điệp cho phù hợp với nhu cầu, đặc điểm riêng của con mình.
Hoàng Thanh