Chế độ ăn uống và vận động của người bị đái tháo đường
Ngày càng trẻ hoá
Trong những năm gần đây, số bệnh nhân đái tháo đường đang có xu hướng gia tăng nhanh với nhiều biến chứng nặng nề như biến chứng tim mạch, thận, mắt, thần kinh… trở thành nỗi lo ngại hàng đầu của toàn xã hội. Việc trang bị những hiểu biết về triệu chứng bệnh này sẽ giúp phát hiện sớm, điều trị hiệu quả bệnh ngay từ giai đoạn đầu.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm tăng glucose huyết do khiếm khuyết về tiết insulin, về tác động của insulin, hoặc cả hai. Tăng glucose mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protide, lipid, gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh.
Hội Nội tiết và đái tháo đường Việt Nam dẫn số liệu từ Liên đoàn Đái tháo đường quốc tế (IDF) cho biết, năm 2021 ước tính trên thế giới có 537 triệu người (20 - 79 tuổi) mắc đái tháo đường, hơn 6,7 triệu người trong độ tuổi từ 20 - 79 sẽ tử vong vì các nguyên nhân liên quan đến đái tháo đường.
Ở Việt Nam, theo kết quả điều tra về các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm do Bộ Y tế thực hiện năm 2015, ở nhóm tuổi từ 18 - 69, tỷ lệ đái tháo đường toàn quốc là 4,1%, tiền đái tháo đường là 3,6%. Trong đó, tỷ lệ đái tháo đường được chẩn đoán là 31,1%, tỷ lệ đái tháo đường chưa được chẩn đoán là 69,9%. Đáng chú ý, độ tuổi bệnh nhân ngày càng trẻ hóa. Năm 2022, số liệu của Bệnh viện Nội tiết Trung ương đưa ra là trên 7% người dân bị mắc đái tháo đường.
Tiền đái tháo đường là một dạng rối loạn về chuyển hóa glucose khiến chỉ số đường huyết tăng cao, tuy nhiên vẫn chưa được coi là bệnh đái tháo đường. Bệnh sẽ phát triển thành bệnh đái tháo đường loại 2, gây ra các biến chứng nghiêm trọng nếu không có sự điều chỉnh hợp lý về lối sống và chế độ dinh dưỡng. Bên cạnh đó, tần suất bệnh nội tiết, đái tháo đường và rối loạn chuyển hóa là bệnh không lây nhiễm ngày càng chiếm tỷ lệ cao trong mô hình bệnh tật cũng đang là mối hiểm họa cho toàn xã hội.
Cần chế độ ăn uống, vận động hợp lý
Do đó, theo các chuyên gia y tế, chế độ ăn của người đái tháo đường được rất nhiều bệnh nhân và người nhà quan tâm, đây cũng là yếu tố quan trọng quyết định người bệnh có thể kiểm soát đường huyết ổn định hay không. Tuy không để điều trị dứt điểm nhưng nếu điều trị tốt và có chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý sẽ giúp ngăn ngừa các nguy cơ biến chứng.
Để giúp ngăn ngừa bệnh này, các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, người bệnh không nên quá kiêng khem trong ăn uống hàng ngày mà vẫn phải ăn uống vừa đủ để đảm bảo dinh dưỡng và cơ thể khỏe mạnh. Ăn quá ít sẽ có thể khiến cơ thể mệt mỏi, quá nhiều có thể khiến đường huyết tăng cao.
Cụ thể, người bị đái tháo đường nên ăn ít nhất 3 bữa mỗi ngày, cố định giờ ăn mỗi ngày để tránh tình trạng quá đói hoặc quá no khiến đường huyết không ổn định. Tốt nhất nên chia nhỏ thành 4 - 5 bữa ăn mỗi ngày, thêm bữa ăn phụ vào bữa tối để tránh quá đói vào nửa đêm.
Ngoài quan tâm đến thực phẩm ăn hàng ngày, cần chú ý bổ sung đủ nước cho cơ thể. Lượng nước cần bổ sung mỗi ngày ít nhất là 40 ml trên mỗi kg cân nặng.
Người bị đái tháo đường cũng không nên cực đoan ăn một số loại thực phẩm nhất định mà cần đa dạng để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể. Người bệnh nên tăng cường thực phẩm giàu protein, tiêu biểu là thịt nạc có chứa nhiều đạm, ít chất béo bão hòa, phù hợp bổ sung năng lượng mà không làm tăng đường huyết hay biến chứng tiểu đường.
Để kiểm tra chế độ ăn của người bị đái tháo đường đã phù hợp hay chưa, bệnh nhân có thể theo dõi đường huyết sau khi ăn ở những khoảng thời gian nhất định. Nếu lượng đường trong máu không tăng quá đột ngột sau ăn thì nghĩa là có thể duy trì khẩu phần ăn tương tự, ngược lại cần hạn chế các thực phẩm chứa nhiều tinh bột, đường hay chất béo.
Cùng với chế độ ăn uống thì việc tăng cường vận động thể lực là cần thiết đối với người bị đáo tháo đường. Cụ thể, cần tăng cường vận động trong cuộc sống hàng ngày, tránh lối sống tĩnh tại, ít vận động: hạn chế xem tivi, chơi điện tử, đi cầu thang bộ thay vì cầu thang máy, làm việc gia đình, làm vườn…
Vận động thể lực thường xuyên có thể cải thiện nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch chuyển hóa ở người trưởng thành thừa cân, béo phì bao gồm: tăng đường huyết và nhạy cảm insulin, tăng huyết áp và rối loạn lipid máu.
Vận động thể lực đều đặn có thể cải thiện chất lượng cuộc sống liên quan đến sức khỏe, các rối loạn tâm sinh lý (trầm cảm, lo âu…) của người thừa cân, béo phì.
Người bệnh được khuyến khích tập thường xuyên, ít nhất là 30 phút/ngày với cường độ vận động trung bình như: đi bộ nhanh, chạy, bơi, đạp xe đạp tốc độ trung bình... Việc tăng cường mức độ vận động hơn nữa sẽ mang lại những hiệu quả có lợi cho sức khỏe hơn. Tăng cường vận động cơ thể, tập luyện thể thao không chỉ giúp giảm cân mà còn có tác dụng duy trì cân nặng sau khi đạt mục tiêu giảm cân và tăng cường sức khỏe.
Tiến Quang