"Cha đẻ" chiếc ô tô điện Việt Nam chạy 100km tốn 15.000 đồng tiền điện: "Tôi đã phải bán nhà"
Phải bán nhà, bị má kêu ra ngoài ở vì ngày đêm gò hàn ồn ào, bị nói điên khùng... là những gì mà ông Trần Văn Tâm trải qua khi đuổi theo đam mê làm ô tô điện Made in Vietnam
Nhiều ngày nay, câu chuyện ông Trần Văn Tâm (sinh năm 1962, sống tại Củ Chi, TP HCM) – "cha đẻ" chiếc ô tô điện vừa được trang tin tổng hợp Newflare của Anh đưa tin nhận được sự chú ý không nhỏ của dư luận.
Ông Tâm kể, ông từng có thời gian dài làm nghề vận tải trước khi chuyển sang công việc hiện tại là sửa chữa, chế tạo và kinh doanh xe máy điện. Vào năm 1984, với số tiền đầu tiên dành dụm được, ông mua chiếc xe khách đời cũ hiệu Daihatsu chạy tuyến Củ Chi - Chợ Lớn.
Ngày đó, phụ tùng thay thế cho ô tô mỗi khi gặp sự cố vô cùng khan hiếm, nhiều chi tiết, linh kiện không có, buộc ông phải tự mày mò, chế tạo phụ tùng thay thế cho xe.
Ông Tâm bên chiếc ô tô điện lên báo nước ngoài. |
"Đúng là tôi không được trường lớp đào tạo bài bản nhưng có trường đời. Những kinh nghiệm của hàng chục năm sửa chữa, mày mò trước đây đã giúp tôi rất nhiều khi thiết kế, chế tạo chiếc xe điện. Nói là không học hành, không biết gì mà làm được chiếc xe thì không hẳn đúng đâu", ông Tâm chia sẻ.
Vốn tính mày mò, ông kể, ông từng chế tạo rất nhiều loại xe. Có lần, ông mua một chiếc Chaly cũ tháo máy bán ve chai. Phần khung sườn chế thành xe ba bánh chạy điện cho người khuyết tật. Năm 2007 ông Tâm đạt giải 3 về đề tài Công nghệ giao thông và môi trường của Hội thi sáng tạo kỹ thuật TP.HCM với chiếc xe 3 bánh có mui, che mưa nắng.
Chiếc xe 3 bánh đạt giải cuộc thi Hội thi sáng tạo kỹ thuật TP.HCM của ông Tâm. |
Ông Tâm thời trẻ bên chiếc xe đạt giải. |
Năm 2015, trong lần xem tivi thấy ô tô điện ở nước ngoài lăn bánh, ông Tâm nghĩ "Tây làm được thì ta cũng làm được". Thế nhưng khi bắt tay vào làm mới thấy có rất nhiều vấn đề phải suy tính.
Trong suốt 2 năm 7 tháng sau đó, ông cóp nhặt và tìm kiếm hàng nghìn linh kiện, chi tiết, tự tay điều chỉnh bản thiết kế và thử nghiệm vận hành chiếc xe. Sau khi có bản vẽ, ông nhờ thợ hàn khung xe.
"Ngay cả người nấu chè, bán chè cũng không thể tự làm hết các nguyên liệu. Vì thế, có nhiều phần của ô tô không thể sản xuất thì tôi đặt người ta làm theo ý tôi. Bảng mạch điện tử thì nhờ một kỹ sư, mình yêu cầu công tắc với chức năng ra sao để họ làm theo ý.
10 người thấy tôi làm xe điện thì 9 người nói tôi điên, khùng. Gia đình cũng không ủng hộ. Má còn nói tôi gò hàn, chế tạo ồn ào quá, má không chịu được, còn kêu tôi ra ngoài ở. Cũng đúng thôi, chẳng ai bỏ thời gian, công sức và tiền của cho một chiếc xe như vậy cả.
Lúc đó tôi nghĩ đơn giản lắm, tôi chỉ muốn làm 1 chiếc xe thân thiện môi trường, lại là người Việt mình làm cho người Việt mình. Nếu không phải là đam mê thì không thể là gì khác", ông tâm sự.
Các công đoạn chế tạo chiếc xe điện được ông Tâm ghi lại. |
Cửa xe thiết kế dạng cánh gấp khi mở được nâng thẳng lên trên nhờ hệ thống thủy lực. |
Năm 2018, chiếc xe điện hoàn thiện, được đặt tên là CITY 18 - hàm ý xe đi trong nội thành. Phía đầu xe có gắn dòng chữ "Viet Nam Electric Car". Đèn pha cảm hứng từ đôi mắt chim đại bàng. Cửa mở kiểu SUV chạy điện Tesla Model X.
Xe có thể chở được 4 người, tốc độ tối đa 50km/h, quãng đường di chuyển đạt 160km. Các trang bị khác của CITY 18 tương tự ô tô chạy xăng.
Ông Tâm trang bị 1 pin lithium cho CITY 18, dòng điện cung cấp là 60V. Cách sạc xe đơn giản tương tự như điện thoại di động, có thể sạc ở bất kỳ đâu có nguồn điện 220V. Xe trang bị máy lạnh, thiết bị giải trí hát karaoke.
Ông Tâm bên chiếc xe hoàn thiện. |
Nội thất xe khá "xịn xò". |
"Khi nhìn chiếc xe hoàn thiện, có người không tin còn nói tôi mua các thứ về độ lại, nhưng tôi cũng không giải thích nhiều". Ông Tâm tự nhận nếu không có tinh thần lạc quan thì khó có thể vượt qua nhiều trở ngại, không ít những điều tiếng cho rằng ông gàn dở, lập dị.
Chưa kể, chi phí cho xe cũng không hề nhỏ. Ban đầu, ông tính toán chi phí cho chiếc xe mẫu là chừng 500 triệu, nhưng đến nay, con số thực đã đội lên cả tỷ đồng.
"Tôi đã bán nhà ngoài phố, vô hẻm ở rồi", ông Tâm nói về phương án cho khoản trội chi. Sau gần 3 năm hoàn thiện, CITY 18 chưa được đưa vào sản xuất thương mại hóa như "cha đẻ" của nó mong đợi, nhưng ông Tâm khá vui vẻ.
"Tôi hiểu rằng, rất khó để đưa vào sản xuất chiếc xe điện, còn cần rất nhiều yếu tố như gặp được những người chung chí hướng, các kỹ sư và những người có chuyên môn góp ý.
Nhưng tôi nghĩ đơn giản lắm, cuộc đời mỗi người sống cũng chỉ có 1 lần, nếu không vì đam mê của mình, không làm gì cho đời thì đâu có được. Về xe điện, Việt Nam đi sau rất nhiều so với thế giới, nhưng nếu vì vậy mà không đi thì không được. Tự người Việt mình làm, tự mình sản xuất vẫn là tự hào", ông Tâm tâm sự.
Giữa ồn ào nghẽn lệnh trên sàn, 'cha đẻ' đánh cồng chứng khoán lần đầu nói về nghi thức đánh cồng
Chuyên gia tài chính Lý Xuân Hải, cựu CEO Ngân hàng ACB, vừa có những trải lòng trên trang Facebook cá nhân về thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong đó có câu chuyện vì sao có 'tục lệ' đánh cồng khai trương giao dịch chứng khoán.
Theo Doanh nghiệp và tiếp thị/CafeF