Câu nói xót xa của cô gái sau hành trình thoát khỏi kẻ buôn người
Bài 1: Bị lừa sang bên kia biên giới: Suýt mất thận, bỏ mạng không ai hay
Bài 2: Cú liều lúc nửa đêm cứu chàng trai Sơn La khỏi 'sào huyệt' của kẻ buôn người
Bởi vì sau khi cảm xúc hạnh phúc được trở về qua đi, họ lại phải đối mặt với những khó khăn ban đầu, cộng thêm rất nhiều tổn thương trong quá trình bị giam giữ, cưỡng bức lao động... Tất cả những áp lực đó khiến họ suy sụp và có những suy nghĩ tiêu cực về bản thân, về cuộc sống.
Đó là nhận định của bà Đinh Thị Minh Châu, chuyên gia tâm lý, Giám đốc Các dịch vụ tâm lý của Rồng Xanh – tổ chức phi chính phủ chuyên hỗ trợ các nạn nhân của mua bán người.
Tìm đến cái chết vì thấy bản thân không có giá trị
Bà Châu nhớ lại một trường hợp cách đây nhiều năm. “Cô bé đó được giải cứu về nước trong tình trạng sức khỏe thể chất và tâm thần bình thường, mặc dù vẫn có cảm giác bất an nhưng trong khả năng kiểm soát.
Sau khi ở lại nơi lưu trú của Rồng Xanh một thời gian ngắn, cô bé nói rất muốn về nhà mặc dù chưa có kế hoạch tiếp theo cho tương lai. Các nhân viên xã hội vẫn giữ liên lạc và thường xuyên gọi điện hỏi thăm xem bạn ấy có cần giúp gì không.
Đến một ngày, bạn liên lạc lại, nói ‘cảm thấy không ổn’. Bạn bảo ‘có lẽ cái chết là một sự giải thoát cho em trong thời điểm này’. Nhưng lý trí của bạn không muốn làm như thế. Bạn nghĩ mình đã rất cố gắng để được trở về. Ngày xưa, ở bên kia biên giới, bạn từng tự rạch tay mình. Bây giờ, bạn ấy không muốn lặp lại hành động đó nữa. Bạn liên lạc để xin sự trợ giúp”.
Sau khi tìm hiểu thêm thì các nhân viên được biết, khi về quê, bạn gái đó muốn tìm chỗ học nghề, nhưng tìm mãi không có chỗ nào phù hợp. Hơn nữa, khi trở về, cô bị hàng xóm dị nghị, phân biệt đối xử. Cộng với tổn thương tâm lý sau biến cố, cô trở nên tiêu cực khi nghĩ về bản thân và tương lai của mình.
Với trường hợp này, việc đầu tiên các chuyên gia tâm lý cần làm là giúp nạn nhân giảm căng thẳng. Sau đó, bộ phận công tác xã hội giúp cô gái tìm chỗ học nghề ở Hà Nội.
“Bạn ấy học nghề song song với trị liệu tâm lý. Sau vài tháng, tinh thần của bạn ổn định hơn. Trong quá trình học, bạn ấy được tiếp xúc với mọi người, được làm việc và kiếm được tiền gửi về cho gia đình. Bạn cảm thấy mình có giá trị - đó là yếu tố quan trọng giúp bạn ấy vượt qua”.
Bà Châu cho biết, sau này, cô bé có thêm bạn bè, có người yêu. Đến giờ, cô đã lập gia đình, sinh con và cuộc sống khá ổn.
“Đó là nhờ bạn ấy đã nhìn vấn đề của mình rộng hơn, có chiều sâu hơn và bạn cảm thấy mình có thể chấp nhận được những gì đã xảy ra với bản thân để bước tiếp”.
Sức khỏe tâm thần là thứ không cần phải giấu giếm
Bà Minh Châu cho biết, đặc điểm chung của các nạn nhân mua bán người là họ thường có một vấn đề nào đó từ trước. Nó có thể là đói nghèo, là thiếu thốn tình cảm, là khó khăn trong việc thể hiện cảm xúc… - những yếu tố khiến họ dễ bị tiếp cận và bị lừa đảo.
“Cộng thêm trải nghiệm bị mua bán như một món hàng, bị đánh đập, tra tấn, ép buộc, hiếp dâm… làm cho những khó khăn của họ lớn hơn rất nhiều. Đó là những khó khăn lớn nhất và ẩn sâu bên trong”.
Thậm chí, có một số ca khiến các chuyên gia tâm lý cũng cảm thấy bất lực khi nạn nhân có quá nhiều vấn đề như: Mắc bệnh tâm thần, rào cản ngôn ngữ, địa lý…
Có những trường hợp khó khăn hơn, khi bản thân nạn nhân không muốn tách mình ra khỏi môi trường độc hại - môi trường đã gây ra những áp lực và căng thẳng cho họ. “Một trong những trở ngại về mặt tâm lý là sự phụ thuộc. Họ cảm thấy an toàn với một người nào đó và có xu hướng phụ thuộc vào người kia dù biết người kia rất độc hại. Ở khía cạnh nào đó, có thể nói là họ bị thao túng về mặt tâm lý”.
“Việc đầu tiên chúng tôi làm với những trường hợp này là ngắt sự tiếp xúc của nạn nhân với môi trường, và cho họ biết rằng họ còn có nhiều lựa chọn khác. Giống như trường hợp của cô bé kia, khi được bước vào những môi trường học tập, làm việc khác, bạn ấy được ghi nhận. Bạn ấy thấy mình giỏi hơn, có ích hơn, có giá trị hơn ở một nơi nào đó, để từ đó bạn tự tin, tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp hơn”.
Bà Châu chia sẻ, cũng có những nạn nhân, khi trở về, họ hoàn toàn từ chối mọi hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần. Họ như muốn quên tất cả những gì liên quan đến chuỗi ngày đã qua.
“Tất nhiên, chúng tôi tôn trọng quyết định của họ. Nhưng chúng tôi tin rằng, không chỉ với nạn nhân mua bán người, mà với tất cả những người từng trải qua các sang chấn gây tổn thương tâm lý, họ đều cần được trợ giúp.
Nhiều người không biết là mình cần trợ giúp, bởi vì chúng ta chưa có thói quen và văn hóa chăm sóc sức khỏe tâm thần của mình. Nhất là với vấn đề tâm lý, tâm thần, chúng ta hay có xu hướng giấu giếm nó đi.
Cá nhân tôi luôn mong rằng, trong nhà trường và gia đình, ngay từ khi còn nhỏ, người lớn sẽ dạy cho trẻ những hiểu biết cơ bản nhất về sức khỏe tâm thần của mình – đơn giản như giúp đứa trẻ hiểu rằng như thế nào là cần giúp đỡ, mình có nên giấu cảm xúc đó đi hay không…
Tôi tin rằng, sức khỏe tâm thần là thứ cần được quan tâm song song với sức khỏe thể chất” – bà Châu khẳng định.