Cú liều lúc nửa đêm cứu chàng trai Sơn La khỏi 'sào huyệt' của kẻ buôn người
“Q., 18 tuổi, người miền Tây mới gọi cho tôi cách đây vài ngày từ một nơi xa xôi nào đó gần biên giới Myanmar – Thái Lan. Cách đây 8 tháng, Q. cầu cứu tôi lần đầu tiên sau khi nhận ra mình bị lừa sang đó với lời hứa hẹn công việc ổn định, lương cao.
Tôi hỏi: ‘Em có trốn ra được không?’. Q. bảo ‘không trốn được’. Từ đó đến nay, em vẫn ở trong đó. Chúng tôi cũng bất lực trước những cuộc gọi của em”.
Đó là câu chuyện của ông Đỗ Duy Vị - giám đốc điều hành tổ chức Rồng Xanh (Blue Dragon) với Q. – cậu bé bán vé số mà anh từng gặp cách đây 10 năm ở TP. HCM.
Q. chỉ là một trong số rất nhiều nạn nhân vẫn còn đang bị mắc kẹt bên kia biên giới, trong những “sào huyệt” của bọn mua bán người, nơi chúng bắt các nạn nhân phải đi lừa đảo người khác trên mạng, bị cưỡng ép lao động, bị đánh đập, bỏ đói, tra tấn như nô lệ...
Nếu không làm được việc, các nạn nhân có nguy cơ bị bán đi, sau đó có thể là chuỗi ngày bị bóc lột, đe dọa, thậm chí có thể bị ép bán nội tạng để trả chi phí chuộc mình ra khỏi nơi giam giữ.
Trong trường hợp của Q. – một cậu bé không có bố, mẹ mắc bệnh nan y, cậu chẳng thể gọi cho ai để gửi tiền chuộc sang, giúp mình thoát thân.
Q. không dám chạy trốn hoặc có thể không có cơ hội chạy trốn. Những người bị bắt về có thể bị chúng đánh đến chết.
May mắn hơn Q., khi tính mạng bị đe dọa, H. liều mình chạy trốn và được người của tổ chức Rồng Xanh đưa về Việt Nam.
H., 20 tuổi, đến từ Sơn La, là lao động tự do. Khi có người rủ sang Campuchia làm công việc nhẹ nhàng, lương tháng 10-15 triệu đồng, không mất chi phí gì, H. ngay lập tức đồng ý.
Chỉ vài ngày sau, H. nhận ra mình phải đi lừa người ta gửi tiết kiệm lãi suất cao qua mạng. Không làm được việc, H. bị tính tiền ăn ở và nợ bọn chúng một số tiền lớn.
Liên lạc về gia đình ở Việt Nam, H. chỉ được gửi cho một ít tiền, đủ để kéo dài thời gian vì gia đình cậu ở vùng sâu vùng xa, hoàn cảnh cũng rất khó khăn. Đến hạn trả nợ, thấy có nguy cơ bị chuyển sang khu vực tam giác vàng để bán cho chủ khác, H. sợ quá, làm liều.
Đêm đó, cậu nhảy qua bức tường 3m để ra ngoài và bị thương. H. cố lết đến một chỗ kín, nhắn tin, gọi điện về cho các nhân viên xã hội của Rồng Xanh. Sau đó, cậu được tổ chức tìm cách hỗ trợ trở về nước.
“Về đến đây, chúng tôi đưa em vào bệnh viện để băng bó luôn” – anh Nguyễn Quang Anh, nhân viên của Rồng Xanh kể lại.
Các nạn nhân của mua bán người qua biên giới thường rơi vào 2 trường hợp như của Q. hoặc H. Với Q., nếu em không thể chạy thoát ra khỏi “sào huyệt” của bọn chúng, cơ hội để trở về Việt Nam là rất khó.
Tuy nhiên, theo ông Đỗ Duy Vị, vấn đề quan trọng hơn được đặt ra là: Sau khi được giải cứu, các nạn nhân sẽ làm gì tiếp theo để thay đổi cuộc đời mình?
“Có những nạn nhân bị lừa tới 2 lần, bởi vì sau khi về, họ vẫn mắc kẹt trong tình cảnh tuyệt vọng về sinh kế, nhà cửa... Họ chấp nhận liều mình một lần nữa, coi như là một canh bạc mới. Chừng nào họ còn chưa có việc làm ổn định, thì họ vẫn còn khao khát ra đi để kiếm tiền giúp bản thân và gia đình thoát khỏi đói nghèo.
Chúng ta phải ở trong hoàn cảnh của họ mới có thể hiểu được khi người ta bế tắc, người ta có thể làm mọi thứ, kể cả những hành động được báo trước là nguy hiểm tới tính mạng” – ông Đỗ Duy Vị chia sẻ.
Theo CEO của Rồng Xanh, đó chính là lý do mà nếu chỉ cảnh báo, giải cứu thôi thì chưa đủ. “Phòng chống mua bán người không chỉ đơn thuần là tuyên truyền, chia sẻ hay giải cứu, mà còn là nâng cao nhận thức, tạo cơ hội việc làm, học tập, sinh kế… cho cộng đồng yếu thế và những người dễ bị tổn thương. Việc giải cứu nạn nhân về nhà sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu như chúng ta không giúp họ giải quyết cái gốc của vấn đề. Và đó là câu chuyện dài hơi, cần sự phối hợp của nhiều cơ quan, ban ngành”.
Ông Vị cho biết, hiện tại, Rồng Xanh đang cùng với ban ngành địa phương ở các tỉnh miền núi thiết lập, xây dựng các mô hình phòng chống mua bán người, bao gồm các hoạt động: hỗ trợ sinh kế, cấp học bổng, hỗ trợ người nghèo xây nhà, hỗ trợ việc làm… Sứ mệnh mà tổ chức đặt ra là chấm dứt nạn mua bán người ở Việt Nam.
“Những năm gần đây, nạn mua bán người có xu hướng tăng lên, đặc biệt là giai đoạn hậu Covid-19. Số lượng nạn nhân liên lạc về, kêu cứu cao gấp nhiều lần so với thời gian trước đó. Điều này cũng là thách thức với chúng tôi về mặt nguồn lực để hỗ trợ các nạn nhân sau khi trở về. Trước giai đoạn Covid-19, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, đến từ các tỉnh miền núi, gần vùng biên, là người dân tộc thiểu số. Nhưng thời gian gần đây, đặc điểm của nạn nhân thay đổi rất nhiều. Số lượng nạn nhân là đàn ông tăng lên. Hoàn cảnh, trình độ học vấn của nạn nhân cũng đa dạng hơn – có cả những người có hoàn cảnh khó khăn, trình độ thấp đi tìm việc làm, nhưng cũng có cả những người có học vấn cao. Hi hữu có trường hợp một bác sĩ cũng bị lừa sang bên kia biên giới với lời mời hấp dẫn về thu nhập. Tóm lại, bất kỳ ai có nhu cầu đi tìm việc làm ở nước ngoài đều có thể trở thành nạn nhân. Về cơ bản, mua bán người là vấn đề nhức nhối không chỉ với Việt Nam, mà với thế giới nói chung. Trong những năm qua, tổ chức Rồng Xanh đã hỗ trợ giải cứu hơn 1.500 nạn nhân bị mua bán sang nước ngoài". - Ông Đỗ Duy Vị, Giám đốc điều hành tổ chức Rồng Xanh, tổ chức phi chính phủ với sứ mệnh phòng chống nạn mua bán người. |