Cảnh báo đuối nước trong mùa hè và những biện pháp ngăn chặn hiệu quả
Trẻ được nghỉ hè, thời tiết nắng nóng đi tắm biển.... là những nguyên nhân xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm.
Sự việc 4 học sinh đuối nước xảy ra vào đầu giờ chiều 23/4, tại khu vực biển thuộc thôn Thanh Xuân, xã Hoằng Hải, huyện Hoằng Hóa (Ảnh: Báo NNVN) |
PGS. TS. Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phòng chống Chấn thương, trường ĐH Y tế Công cộng cho biết, đuối nước - nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ từ 0-14 tuổi trên thế giới và tại Việt Nam.
Theo thống kê của Bộ Lao Động Thương Binh và Xã hội, mỗi năm Việt Nam có hơn 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Tỉ lệ trẻ em đuối nước tại Việt nam hiện nay ở mức cao tại Châu Á và cao gấp nhiều lần so với các nước có thu nhập cao.
Đơn cử như tại Nghệ An, theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, từ năm 2019 đến 30/4/2021, toàn tỉnh có 119 vụ trẻ em bị đuối nước. Trong đó, có 130 trẻ em tử vong do đuối nước. Theo đó, năm 2019: 51 vụ 58 trẻ tử vong; năm 2020: 52 vụ 56 trẻ tử vong.
Chỉ tính riêng trong 4 tháng năm 2021 đã có 16 vụ 16 trẻ tử vong trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Các số liệu thống kê cho thấy các vụ đuối nước thường xảy ra vào mùa hè, khi các em được nghỉ học. Địa điểm xảy ra thường là các địa điểm nguồn nước mở như ao, hồ, sông, suối, ngầm tràn và ngay cả những hố nước nhỏ nhưng sâu, hay tại chính ao của gia đình.
PGS. TS Phạm Việt Cường nhận định, hầu hết các trường hợp đuối nước xảy ra ở vùng nông thôn.
Thống kê của Bộ LĐTB & XH chỉ ra, đuối nước ở khu vực nông thôn cao gấp 4 lần so với khu vực thành thị; đuối nước xảy ra tại ao, hồ, sông, suối, biển, ngã xuống hố ga, hồ xây dựng chiếm tới 77,6%, 15,8% xảy ra tại gia đình và 6,6% tại nơi khác.
Những nguyên nhân khiến trẻ em bị đuối nước là do thiếu sự giám sát của người lớn, việc phòng tránh, sơ cứu của người dân khi gặp tai nạn đuối nước còn thấp. Trẻ thiếu kỹ năng bơi và hay hiếu động, tò mò, thích nghịch nước, có những trẻ biết bơi nhưng chủ quan hoặc thiếu kỹ năng an toàn với nước.
Trong giai đoạn 2015-2019, khi đuối nước được quan tâm nhiều hơn thông qua những chính sách cụ thể của Chính phủ, hoạt động quản lý và triển khai hiệu quả của Bộ Lao động TB và XH, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục ĐT, sự tham gia của các tổ chức quốc tế như WHO, GHAI, các tổ chức phi chính phủ, các cơ sở nghiên cứu đào tạo; phòng chống đuối nước ở Việt nam đã có đạt nhiều kết quả tốt.
Theo đó một loạt các can thiệp phòng chống đuối nước đã được các tổ chức, ban ngành, đoàn thể triển khai như: triển khai chính sách can thiệp phòng chống đuối nước, triển khai các hoạt động đào tạo kỹ năng an toàn với nước của trẻ, triển khai xây dựng chương trình dạy bơi an toàn cho trẻ, nâng cao tỷ lệ trẻ biết bơi qua các chương trình giảng dạy hiệu qủa, phù hợp với điều kiện thời tiết, kinh tế xã hội tại địa phương, tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp liên ngành và có sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự, cộng đồng trong công tác phòng chống đuối nước…
Mặc dù đuối nước vẫn đang gây ra mất mát cho nhiều gia đình Việt Nam nhưng các giải pháp trên đã và đang cho thấy tính hiệu quả, phù hợp và khả năng duy trì bền vững và cần phải tiếp tục duy trì để góp phần đạt được mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam vào năm 2030.
Với trẻ chưa biết bơi, tuyệt đối không được ra chỗ nước sâu. Cần phải dạy học bơi cho trẻ. Đối với các em đã biết bơi rồi, các huấn luận viên cũng nên dạy các em cách xử lý với trường hợp đuối nước như thế nào, dạy các em cách bơi đứng nước (tức là cách đứng được thăng bằng trong nước, chứ không cần chân phải chạm đáy bể bơi).
Ngoài ra, còn thường xuyên tuyên truyền, phát động các phong trào luyện tập bơi lội và đặc biệt là sự quan tâm, giám sát của các quý bậc phụ huynh, người lớn đối với các hoạt động của trẻ liên quan đến sông nước.
N. Huyền