Cảnh báo chứng bệnh đơn giản nhưng có thể mất chân
Đau nhức, tê bì cảnh báo tắc mạch máu
Bệnh viện Hữu nghĩ Việt Xô đã cấp cứu cho bà Nguyễn Thị Hoài (70 tuổi, Hà Nội) vào viện trong tình trạng đau nhức liên tục bàn chân, ngón chân cái đã bị thâm tím và có biểu hiện hoại tử.
Anh Chung con của bà Hoài cho biết trước đó bà có biểu hiện bị đau cứng cơ bắp chân trong suốt thời gian dài, ngay cả khi nghỉ ngơi. Con cháu đưa bà đi khám ở nhiều nơi bác sĩ chẩn đoán thoái hóa khớp, viêm khớp nên bà Hoài đã uống thuốc trị xương khớp không khỏi.
Tuy nhiên, khi vào viện, bác sĩ co chụp CT 64 dãy kết quả, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị tắc mạch chi dưới nhưng đã bước vào giai đoạn nặng gây hoại tử các ngón chân, có thể cả bàn chân do thiếu máu nuôi dưỡng trong một thời gian dai, kèm theo cảm giác đau liên tục, thuốc giảm đau không có tác dụng.
Bà Hoài được chỉ định cắt chân vì chân đã hoại tử phải cắt bỏ mới có thể điều trị tiếp được bệnh.
Trường hợp của ông Nguyễn Văn Hưng, 74 tuổi trú tại Văn Lâm, Hưng Tên cũng tương tự. Ông Hưng bị tê bì chân trái. Ông đã khám và được bác sĩ chẩn đoán đau thần kinh tọa, thoái hóa khớp gối, điều trị không đáp ứng được thuốc. Khi đến bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô chụp CT 64 dãy hệ động mạch chi dưới phát hiện hẹp động mạch dưới chi trái.
Ngay sau đó, ông Hưng đã được chỉ định nong động mạch và đặt stent động mạch đùi. Ông Hưng may mắn đến bệnh viện sớm. Nếu đến muộn, tình trạng bệnh tật sẽ nặng, có thể phải cắt chân như bà Hoài.
Trao đổi với chúng tôi, Bác sĩ Bùi Long, Trưởng khoa Can thiệp tim mạch, Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô cho biết bệnh lý tắc mạch chi dưới bệnh nhân thường chủ quan. Đa số bệnh nhân đến điều trị ở giai đoạn muộn do không có triệu chứng khi bệnh mới khởi đầu; hoặc nhầm với bệnh cơ xương khớp, đau thần kinh ngoại vi, do tuổi già... Nhiều bệnh nhân đã từng điều trị xương khớp trước đó nhưng không khỏi.
Ảnh minh họa. |
Triệu chứng cần phát hiện sớm
Theo bác sĩ Bùi Long, bệnh động mạch chi dưới là tình trạng hẹp/tắc lòng động mạch chậu, đùi, khoeo, cẳng và bàn chân do vữa xơ động mạch hoặc viêm nội mạc động mạch, làm giảm dòng máu nuôi phần chi phía dưới vị trí tổn thương. Người dễ mắc bệnh viêm tắc động mạch chi dưới nếu hút thuốc lá, tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa mỡ, ít vận động, béo phì...
Hầu như bệnh nhân đều không có biểu hiện lâm sàng rõ nét nên dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Trong đó có quá nửa bệnh nhân đến khám nhưng họ không chia sẻ tình hình bệnh lý với bác sĩ chủ yếu bác sĩ khai thác bệnh sử và phải dựa vào hình ảnh.
Bác sĩ Long cho biết để phát hiện bệnh sớm, người bệnh không cần phẫu thuật cần chú ý đặc điểm của bệnh tắc mạch chi dưới là đau chân cách hồi, cảm giác đau rút cơ, xuất hiện khi gắng sức, sau khi đi được một quãng đường nhất định, giảm và hết khi dừng lại, và tái xuất hiện trở lại với cùng một mức gắng sức; hoặc đau chi dưới khi nằm, thường xuất hiện về đêm, đau rát hoặc tê bì, lạnh chi, đỡ đi nếu để thõng chân hoặc đứng dậy. Một số người bệnh chỉ có cảm giác đau tức bắp chân, nặng chân, tê bì ít hoặc thấy chị bị teo cơ, rụng lông, móng dày, loét và hoại tử chi.
Để chẩn đoán bệnh, các bác sĩ cho chụp động mạch cản quang (DSA) là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán hẹp tắc động mạch chi dưới. Từ kĩ thuật này, các bác sĩ có thể can thiệp nong bóng hoặc đặt stent(giá đỡ) trong lòng động mạch, cải thiện dòng chảy của mạch máu.
Khi lòng mạch được mở thông, dòng máu phục hồi, các triệu chứng đau sẽ giảm nhanh chóng và hết hẳn. Các vết loét và hoại tử có cơ hội liền sẹo nhanh. “Đây là phương pháp xâm lấn tối thiểu, thời gian nằm viện ngắn (từ 3-5 ngày), ít biến chứng, đảm bảo vấn đề thẩm mĩ. Tuy nhiên, phần hoại tử nặng do điều trị muộn không thể hồi phục được bắt buộc phải cắt bỏ”, ông Long chia sẻ.
Tuy nhiên, bệnh nhân sau can thiệp điều trị cũng cần lưu ý, tuân thủ chế độ điều trị nội khoa, điều trị các bệnh nền có liên quan, kiểm soát chế độ ăn uống, vận động, tập luyện theo lời khuyên của bác sĩ.