Cần sớm đưa du lịch nông thôn vào chương trình xây dựng nông thôn mới
Phát triển du lịch nông thôn hiệu quả sẽ góp phần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và xây dựng nông thôn mới bền vững. Vì thế, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ cho du lịch nông thôn.
Phát triển du lịch nông thôn trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được xác định là một trong những động lực đem lại việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường. Phát triển du lịch nông thôn hiệu quả sẽ góp phần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và xây dựng nông thôn mới bền vững.
Mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp thu ý kiến các cơ quan liên quan để đưa nội dung phát triển du lịch nông thôn vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025; trình duyệt theo đúng quy trình và quy định pháp luật.
Cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách đưa du lịch nông thôn vào chương trình xây dựng nông thôn mới. (Ảnh: Haiau Tourist) |
Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, hiện cả nước có khoảng 365 điểm du lịch nông thôn với hơn 2.000 làng nghề truyền thống với tiềm năng về du lịch. Du lịch nông thôn nói chung khá đa dạng như du lịch văn hóa tại cộng đồng, du lịch làng nghề thủ công mỹ nghệ, du lịch trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng homestay....
Hiện nay, nhiều hãng lữ hành tổ chức các tour du lịch nông nghiệp, đưa khách tới những khu vực sản xuất nông nghiệp có không gian, cảnh quan, môi trường văn hóa mang đặc trưng của vùng nông thôn Việt Nam. Các dịch vụ bổ trợ trong hoạt động du lịch nông nghiệp ngày càng đa dạng và sáng tạo, như dịch vụ chăm sóc sức khỏe bằng thảo dược địa phương, tham gia lễ hội truyền thống, thưởng thức ẩm thực, chụp ảnh theo các mùa hoa, trái...
Đơn cử, nếu đến vùng núi phía Bắc, du khách có thể tham quan nông trường Mộc Châu, ruộng bậc thang Sapa, bản làng ở Hòa Bình... Khi ghé thăm miền Trung lại có làng rau Trà Quế Hội An, làng gốm Thanh Hà…
Đến với miền Tây, du khách có thể trở thành người nông dân miền quê sông nước để đi cấy, tát mương bắt cá, trồng rau… Hay mô hình du lịch nông nghiệp đặc biệt phát triển mạnh ở các tỉnh phía Nam. Điển hình như các tỉnh: Cần Thơ, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Nai… là những nơi có diện tích vườn cây ăn trái lớn với nhiều loại quả đa dạng.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, tiềm năng phát triển du lịch nông thôn, trong đó có du lịch cộng đồng là rất lớn. Nhiều địa phương đã có mô hình du lịch cộng đồng để nâng cao đời sống, thu nhập của người dân nông thôn, đặc biệt là tại Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long... Các mô hình không chỉ đem lại kinh tế mà bảo tồn phát huy giá trị văn hóa, an sinh xã hội ở các địa phương.
Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hoạt động du lịch nông thôn đã đem lại những đóng góp tích cực cho cả ngành du lịch và khu vực nông nghiệp, nông thôn phát triển. Cụ thể, du lịch nông thôn góp phần tạo ra bản sắc, tính độc đáo của điểm đến và sản phẩm du lịch Việt Nam tạo ra tour tuyến mới, mở rộng không gian du lịch. Bên cạnh đó, du lịch nông thôn phát triển đem lại lợi ích nhiều mặt về kinh tế, xã hội cho nhiều địa phương như góp phần đa dạng hóa ngành nghề nông thôn, tạo việc làm, thu nhập cho người dân, đồng thời còn bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cộng đồng địa phương, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững.
Dự thảo Đề án “Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành quy hoạch mạng lưới điểm du lịch nông thôn; có ít nhất 200 dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên; trong đó có ít nhất 10% sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng đạt tiêu chuẩn 5 sao. Bên cạnh đó, có ít nhất 50% làng nghề truyền thống tham gia vào chuỗi giá trị du lịch nông thôn.
Nhiều ý kiến cho rằng, để thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn trong giai đoạn tới gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững, cần thực hiện quy hoạch phát triển du lịch nông thôn đồng bộ với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đồ án quy hoạch xây dựng NTM. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ cho du lịch nông thôn. Xây dựng và ban hành chính sách quản lý, hỗ trợ, ưu đãi cho từng loại hình du lịch nông thôn.
Thảo Nguyên