Cần nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đô thị hóa hướng đến phát triển bền vững
Ngày 24/1/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Theo Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển, đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành nghị quyết chuyên đề riêng về phát triển đô thị.
Nghị quyết đã đặt ra nhiều chỉ tiêu như đến năm 2025, số lượng đô thị trên toàn quốc đạt khoảng 950-1.000 đô thị; đến năm 2030 đạt khoảng 1.000-1.200 đô thị. Đến năm 2030, hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng đạt các chỉ tiêu về y tế, giáo dục - đào tạo, văn hóa cấp đô thị tương đương mức bình quân của các đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN. Kinh tế khu vực đô thị đóng góp khoảng 75% GDP cả nước vào năm 2025 và khoảng 85% vào năm 2030.
Ngoài ra, Việt Nam cũng sẽ phấn đấu xây dựng được mạng lưới đô thị thông minh trung tâm cấp quốc gia, cấp vùng kết nối quốc tế và 3-5 đô thị có thương hiệu được công nhận ở tầm khu vực và quốc tế vào năm 2030.
Theo ông Hiển, những mục tiêu này có liên quan mật thiết đối với nhiệm vụ đổi mới công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị trên toàn hệ thống đô thị của cả nước. Qua đó nhằm tạo sự thay đổi, đột phá toàn diện quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị của Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, công tác quy hoạch, quản lý, phát triển đô thị vẫn còn một số bất cập, hạn chế. Đơn cử như, tỉ lệ đô thị hóa đạt thấp hơn mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 và còn khoảng cách khá xa so với tỷ lệ bình quân của khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, chất lượng đô thị hóa chưa cao, phát triển theo chiều rộng là chủ yếu gây lãng phí đất đai, mức độ tập trung kinh tế còn thấp.
Ngoài ra, kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị; ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp…
Theo ông Chính, những hạn chế trên do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do nhiều địa phương chưa nhận thức đầy đủ và chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững. Công tác quy hoạch đô thị tại nhiều địa phương còn chậm đổi mới, thiếu tầm nhìn, chất lượng thấp, thậm chí còn xảy ra hiện tượng điều chỉnh quy hoạch tùy tiện; việc triển khai thực hiện còn nhiều hạn chế...
Chính vì thế, theo ông Chính, cần đổi mới tư duy lý luận phương pháp quản lý, quy hoạch đô thị, bảo đảm quy hoạch đô thị có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, lấy con người làm trung tâm, văn hóa, văn minh đô thị làm nền tảng cho sự phát triển. Kết hợp hài hòa giữa quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị với công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị phải đi trước một bước.
Đưa ra những khuyến nghị về giải pháp để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đô thị, ông Nguyễn Tố Lăng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện, đồng bộ khuôn khổ hệ thống pháp luật về phát triển đô thị với pháp luật về các lĩnh vực khác liên quan. Trong đó, các nguyên tắc quy hoạch đô thị, dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển đô thị cần được đảm bảo đi trước một bước và triển khai công khai, minh bạch.
Theo các chuyên gia, quá trình đô thị hóa có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao chất lượng sống của người dân. Theo đó, đô thị hóa đúng hướng là một nhiệm vụ quan trọng giúp quốc gia, đô thị phát triển bền vững hơn. Quá trình đô thị hóa được kiểm soát chặt chẽ và có tầm nhìn chiến lượng sẽ phát huy lợi thế của đô thị hóa và hạn chế tối đa những bất cập.
Minh Thư