Đắk Lắk: Chấm dứt du lịch cưỡi voi, chuyển đổi sang mô hình du lịch thân thiện
Chiều nay (14/11), thông tin từ Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và quản lý bảo vệ rừng xác nhận, Tổ chức Động vật châu Á tài trợ số tiền trị giá hơn 55,4 tỷ đồng để thực hiện chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang du lịch thân thiện với voi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Dự án trên vừa được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt và thời gian để thực hiện dự án trong vòng 4 năm từ tháng 11/2022 đến tháng 12/2026.
Có 2 địa điểm thực hiện dự án gồm; Huyện Lắk (Ban Quản lý rừng lịch sử - văn hóa - môi trường Hồ Lắk) và huyện Buôn Đôn (Vườn quốc gia Yok Đôn, trung tâm, các công ty du lịch đang hoạt động trên địa bàn huyện này).
Dự án đi vào hoạt động sẽ chấm dứt các hoạt động du lịch cưỡi voi và thay vào đó là mô hình du lịch thân thiện với voi.
Chủ voi và nài voi được bù đắp nguồn thu nhập bị thiếu hụt do dừng phục vụ cưỡi voi, đàn voi nhà cũng sẽ được bảo tồn, chăm sóc, kéo dài tuổi thọ.
Thời gian vừa qua, việc du lịch cưỡi voi đã gây ra nhiều tranh cãi trái chiều, tuy nhiên trong đó đa số có ý kiến cho rằng cần chấm dứt ngay hoạt động cưỡi voi vì rất phản cảm.
Những chú voi được đưa ra khai thác du lịch hầu hết đã lớn tuổi nhưng phải hoạt động hết công suất nên rất khó khăn cho công tác bảo tồn voi.
Dự án rất được người dân quan tâm và ủng hộ, và mong muốn sớm hoàn thành để những chú voi nổi tiếng ở Đắk Lắk không còn phải ngày ngày cõng khách du lịch đi dạo chơi.
Theo thống kê hiện đàn voi nhà của tỉnh Đắk Lắk còn 37 cá thể (lớn nhất cả nước), trong đó có 17 con voi đực và 20 con voi cái tập trung ở hai huyện Lắk và Buôn Đôn.
Riêng đàn voi hoang dã có khoảng 80- 100 cá thể và thường xuyên xuất hiện trong các cánh rừng ở 2 huyện biên giới Buôn Đôn, Ea Súp.
Dự án chuyển đổi mô hình du lịch thân thiện với voi nhằm chấm dứt các hoạt động du lịch cưỡi voi và nâng cao phúc lợi cho các cá thể voi nhà và duy trì, bảo tồn quần thể voi nhà trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Dự án hướng đến mô hình du lịch thân thiện với voi được thực hiện trên địa bàn huyện Buôn Đôn và huyện Lắk, thay thế hoàn toàn cho hình thức du lịch cưỡi voi. Theo đó, đàn voi nhà được bảo tồn, chăm sóc, bảo đảm phúc lợi, kéo dài tuổi thọ; chủ và nài voi được bù đắp nguồn thu nhập bị thiếu hụt do dừng phục vụ cưỡi voi; các trung tâm du lịch được hỗ trợ kỹ thuật để chuyển đổi sang mô hình du lịch thân thiện với voi; thành lập hợp tác xã du lịch nhằm quản lý, vận hành mô hình du lịch thân thiện với voi tại huyện Lắk; hoạt động giáo dục, nâng cao nhận thức bảo vệ và bảo tồn loài voi được phổ biến, lan tỏa tới các tầng lớp xã hội, cộng đồng… |
Hải Dương