Cần hoàn thiện và bổ sung các tiêu chí, tiêu chuẩn kỹ thuật trong thương mại
Qua thực tiễn hội nhập với kinh tế thế giới, chúng ta đã nhận thức được để bảo vệ doanh nghiệp và các ngành sản xuất trong nước (bao gồm cả lĩnh vực nông nghiệp), Việt Nam cần phải hoàn thiện và bổ sung các tiêu chí, tiêu chuẩn kỹ thuật trong thương mại của mình.
Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) mà chúng ta đang cố gắng quyết tâm xây dựng sẽ mang sắc thái Việt Nam. Nhưng về bản chất, nó cũng giống như các nước, có 3 mục đich cụ thể: giúp bảo hộ sản xuất, bảo vệ người tiêu dùng và gìn giữ môi trường sinh thái trong nước, đồng thời đối phó được với các rào cản của các nước khác trong thương mại quốc tế đang ngày càng rất hiện đại và tinh vi (như Thái Lan đưa ra các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định đăng ký và dán nhãn thực phẩm đã qua chế biến rất phức tạp khiến cho các nhà xuất khẩu nước ngoài hao tổn nhiều thời gian và chi phí; hoặc như Trung Quốc có rất nhiều quy định ngặt nghèo về vệ sinh y tế tại cửa khẩu và các cảng khiến cho hàng thuỷ sản xuất khẩu vào Trung Quốc gặp không ít khó khăn).
Hàng rào kỹ thuật trong thương mại ở Việt Nam chậm được hình thành vì các hình thức hàng rào kỹ thuật rất đa dạng. Riêng đối với các loại hàng nông sản và nông sản qua chế biến có thể kể đến một số dạng sau đây:
- Hàng rào được xây dựng bằng các tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật, an toàn vệ sinh dịch tễ. Loại hàng rào này đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng có liên quan. Theo đó, các tiêu chuẩn đối với sản phẩm cuối cùng, các phương pháp sản xuất và chế biến, các thủ tục xét nghiệm, giám định, chứng nhận và chấp nhận... cho đến các quy định về phương pháp thống kê, chọn mẫu và đánh giá đều phải theo các định chuẩn quóc gia được xây dựng phù hợp với qui định của quốc tế.
Do chưa lập nhiều hàng rào kỹ thuật nên hoa quả nhập ngoại tràn vào VN, trong đó có cả những sản phẩm không đảm bảo chất lượng (ảnh minh họa).
- Hàng rào được xây dựng theo các tiêu chuẩn chế biến và sản xuất dựa theo các quy định về môi trường. Loại hàng rào này chủ yếu áp dụng cho giai đoạn sản xuất, bao gồm từ các định chuẩn về chế độ nuôi trồng... đến những quy định liên quan đến nguyên vật liệu dùng làm bao bì, về tái sinh, về xử lý và thu gom sau quá trình sử dụng. Kèm theo đó là yêu cầu về nhãn mác, đóng gói bao bì, lệ phí môi trường, nhãn sinh thái...được qui định chặt chẽ bằng hệ thóng văn bản pháp luật (phải mất thời gian và khá tốn kém)
Nhìn chung, hàng rào kỹ thuật trong thương mại là con đường bắt buộc chúng ta phải đi qua (không có đường tắt) để tiến hành hội nhập kinh tế với các nước khác.
Tuy nhiên, hơn 5 năm qua trên thực tế hàng rào kỹ thuật trong thương mại của Việt Nam xây dựng chưa được nhiều vì xuất phát điểm của nền kinh tế ở mức thấp (công nghệ chế biến lạc hậu, kết cấu hạ tầng phục vụ cho vận chuyển, bảo quản dự trữ, bốc xếp sơ sài, năng lực quản lý yếu kém, marketing, phân tích xử lý thông tin và dự báo thị trường còn khá mờ nhạt).
Thêm vào đó, nhận thức và sự kết hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng, các bộ, ngành, trung uong và địa phương chưa cao. Có thể nói, chúng ta đã thực sự tiến hành "mở cửa" cho nền kinh tế với bên ngoài, nhưng với bên trong, giữa các bộ phận với nhau, xu thế "đóng cửa" vẫn còn tồn tại ở đâu đó.
Với góc nhìn như vậy, chúng tôi tự nhận thấy cơ hội phát triển (trong đó có có cơ hội phát triển nông nghiệp) có thể do chúng ta tích cực, chủ động gợi mở thêm ra. Đặc biệt hiện nay, sau khủng hoảng kinh tế toàn câu, rất nhiều nước đã đi theo con đường phát triển "kinh tế xanh".
Ở Việt Nam đã có các ý kiến về xu thế nâng cao chất lượng trong việc thu hút dòng vốn FDI. Nếu coi vốn là loại hàng hoá đặc biệt thì đây chính là lập ra kiểu hàng rào mới trong tiếp nhận vốn đầu tư của nước ngoài bằng cách ưu tiên đối với các dự án công nghệ cao và dịch vụ hiện đại.
Trước đây, do thiếu thời gian nên việc lập hàng rào về vốn chưa chặt chẽ, các doanh nghiệp FDI đã thực hiện sự chuyển giá gây thất thoát lớn cho ngân sách của chúng ta hàng nghìn tỷ đồng (tức là doanh nghiệp FDI tiến hành nhập khẩu nguyên liệu máy móc đầu vào từ công ty mẹ với mức giá cao và họ bán sản phẩm hàng hoá sản xuất tại Việt Nam cho công ty mẹ chỉ ở mức giá rất thấp ). Luật Đầu tư và Nghị định 108/2006/NĐ-CP được ban hành sát với thời điểm Việt Nam gia nhập WTO sẽ phải điều chỉnh lại để có quan điểm thống nhất về việc áp dụng cam kết với các loại nhà đầu tư khác nhau, kể cả người Việt Nam định cư ở nước ngoài và một số qui định khác phù hợp hơn với thực tế hiện nay.
Tóm lại, chúng ta đã có Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, từng cấp, từng ngành, từng lĩnh vực có thể soi rọi và luận giải, từ đó để thấy rõ hơn những cơ hội phát triển của mình trong tương lai.