Cận cảnh nhà máy xử lý rác phát điện quy mô 7000 tỷ ở Sóc Sơn, sắp đi vào hoạt động
Nhà máy điện rác Sóc Sơn sẽ có công suất xử lý rác thải sinh hoạt 4.000 tấn/ngày đêm, bằng khoảng 50-60% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh của TP Hà Nội và công suất phát điện 75MW.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, mỗi ngày trên địa bàn thành phố phát sinh khoảng 7.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt.
Tỷ lệ rác thải thu gom tại khu vực đô thị đạt 100%, khu vực nông thôn đạt 90%. Tuy vậy, chỉ có khoảng 11% khối lượng rác thải được xử lý bằng phương pháp đốt (không phát điện); còn lại đang xử lý bằng phương pháp chôn lấp.
Bãi chôn lấp rác ở Nam Sơn nằm ngay cạnh khu dân cư. |
Để xử lý hàng ngàn tấn rác mỗi ngày, năm 2017, UBND TP Hà Nội đã lên kế hoạch thu hút đầu tư, xây dựng 5 nhà máy đốt rác phát điện, phấn đấu đến năm 2021 đi vào hoạt động, trong đó có dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn.
Dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn được chấp thuận đầu tư từ năm 2017 với tổng mức đầu tư 7.000 tỉ đồng bằng vốn nước ngoài. Sử dụng công nghệ đốt rác bằng lò ghi cơ học của Bỉ, nhà máy có công suất xử lý 4.000 tấn rác/ngày đêm và dự kiến công suất phát điện khoảng 75 MW điện/giờ, được đánh giá là dự án điện rác có quy mô lớn hàng đầu thế giới.
Dự án này do CTCP Môi trường năng lượng Thiên Ý là chủ đầu tư, Tổng thầu MCC (Trung Quốc) thực hiện.
Nhà máy điện rác Sóc Sơn có tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng. |
Theo đại diện ban quản lý, dự án đã hoàn thành khoảng hơn 65% các hạng mục chính. Hiện đơn vị đang thi công tường bao khu vực; sàn đổ rác nhà máy chính; bể rác số 1; bể rác số 2; sàn sau lò nhà máy chính; phòng tua bin hơi; nhà hành chính; tường bao phía Nam; trạm tăng áp; trạm xử lý nước thải; lắp đặt cẩu tháp số 1 và số 2; lắp đặt hệ thống lò đốt số 2 và số 3…
Trao đổi với PV, ông Lý Ái Quân (đại diện Công ty cổ phần Môi trường năng lượng Thiên Ý) cho biết: "Dự án này được Nhà nước phê duyệt quy hoạch vào điện 7. Dự kiến nguồn điện năng làm ra sẽ sử dụng chính cho công ty; một phần còn lại chúng tôi sẽ phát vào mạng lưới điện quốc gia. Công ty Thiên Ý cũng đã ký hợp đồng với Công ty điện lực Việt Nam".
Dự án đã hoàn thành hơn 65% các hạng mục chính. |
"Để thực hiện tiến độ theo kế hoạch, trong những tháng này, chúng tôi cần có 1.500 - 1.700 công nhân làm tại công trường. Tuy nhiên hiện tại chúng tôi chỉ có 600 - 700 công nhân trực tiếp làm tại công trường.
Khó khăn nhất của chúng tôi hiện nay là nguồn nhân lực, đặc biệt trong các tháng 7-8 vừa qua, theo kế hoạch là những tháng cao điểm, có tính quyết định đến tiến độ của dự án. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, Chính phủ Trung Quốc đã giới hạn lượng người ra nước ngoài nên mỗi tháng chúng tôi chỉ tiếp nhận được 30 - 40 người từ Trung Quốc tới làm việc", ông Lý Ái Quân thông tin thêm.
Có khoảng 600-700 công nhân trên công trường luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ để đảm bảo tiến độ dự án. |
Ngoài vấn đề nhân lực thì việc nhập các trang thiết bị từ các nước như Bỉ, Đức, Phần Lan cũng gặp nhiều trở ngại.
Chủ đầu tư dự án cho biết đã chủ động thực hiện các biện pháp khắc phục như đốc thúc đối tác nước ngoài thực hiện đúng thỏa thuận trong đơn đặt hàng, đồng thời cử thêm người sang các nước để phối hợp cùng hoàn thiện các thủ tục chuyển hàng về Việt Nam nhanh nhất.
Hệ thống trang thiết bị phải nhập từ các nước Bỉ, Đức, Phần Lan nên cũng bị ảnh hưởng do dịch bệnh. |
Với dây chuyền công nghệ hiện đại, nhà máy sẽ không phải phân loại rác thải từ đầu nguồn mà tất cả rác thải đều đốt được. Nhiệt độ trong lò đốt luôn được đảm bảo ổn định theo tiêu chuẩn nên có ưu điểm rất lớn về bảo vệ môi trường, độ bền của lò đốt được ổn định lâu dài.
Các thành phần chất thải trơ, tro xỉ cũng được tận dụng để sản xuất vật liệu xây dựng (đóng gạch không nung) hoặc san lấp mặt bằng.
Phương pháp xử lý rác mới này hứa hẹn sẽ dần thay thế phương pháp chôn lấp vốn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, đồng thời lãng phí một nguồn tài nguyên rất lớn để chuyển hóa thành năng lượng là rác.
Dự án có quy mô xử lý chất thải rắn sinh hoạt và công suất phát điện lớn hàng đầu thế giới. |
Những chi tiết nhỏ được thực hiện cẩn thận, tỉ mỉ. |
Công nhân nỗ lực làm việc để công trình hoàn thành theo đúng tiến độ, dự kiến chạy thử vào tháng 11/2020 và đưa vào vận hành vào tháng 12/2020. |
Việc xử lý chôn lấp rác thải sinh hoạt ở bãi rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) nhiều năm qua đã phát sinh những vấn đề lớn cần giải quyết dứt điểm. Bãi rác này được đưa vào khai thác từ năm 1999, có 18 hố chôn lấp rác thải. Cho tới nay, các hố này cũng gần đầy. Theo kế hoạch, bãi rác Nam Sơn sẽ ngừng tiếp nhận rác từ năm 2021, khi nhà máy điện rác Sóc Sơn đi vào vận hành.
Thời gian qua, người dân xã Nam Sơn phải chịu cảnh khốn khổ vì mùi hôi thối, ô nhiễm,… bị ruồi muỗi bủa vây khắp nhà. Nhiều lần người dân địa phương bức xúc, chặn xe chở rác đi vào khiến rác thải trong nội thành ùn ứ nhiều ngày, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường.
Bà Nguyễn Thị Đông phải dùng rất nhiều vỉ keo để diệt ruồi, muỗi mỗi ngày. |
Bà Nguyễn Thị Đông, người dân ở thôn Đông Hạ (xã Nam Sơn) cho biết: "Cuộc sống của chúng tôi quanh năm suốt tháng phải chịu mùi hôi thối từ sáng đến đêm. Nhiều nhà có cháu nhỏ buộc phải đi sang xã khác ở nhờ. Bãi rác bốc mùi hôi thối, ruồi muỗi từ đâu kéo về tấn công nhà dân khiến mọi sinh hoạt của các hộ dân quanh đây bị đảo lộn hoàn toàn. Dù đóng cửa kín mít nhưng ruồi đen vẫn bay về bu kín khắp nơi. Mỗi lần nhà ai có cưới xin, giỗ chạp mời người ở nơi khác đến ăn cũng ngại, vì ruồi muỗi bay đầy vào thức ăn khiến khách khiếp sợ. Từ năm 1999, người dân đã kiến nghị chính quyền các cấp nhiều lần nhưng đến nay họ mới giải quyết".
Mặc dù dự án đã triển khai nhiều hạng mục, theo kế hoạch thì chỉ vài tháng nữa sẽ chạy thử rồi chính thức vận hành, song việc đền bù cho các hộ dân trong vùng dự án vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Ông Phạm Xuân Sơn (xóm 18, thôn Đông Hạ, Nam Sơn, Sóc Sơn) cho rằng: "Chừng nào các phương án đền bù cho hộ dân thuộc Dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường của Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn chưa được thực hiện thỏa đáng thì vẫn chưa giải quyết được triệt để vấn đề. Người dân sẽ còn chặn đường xe rác vào bãi rác Nam Sơn. Như đất nhà tôi, trước kia vốn là đất ở, gần đây lại bị quy hoạch thành đất rừng trùng lấn, dẫn đến mức đền bù rất thấp, có cũng như không, chẳng đủ tiền để mua đất ở đâu cả", ông Sơn nói.
Bảo Khánh