Cận cảnh khuôn mặt 'hung dữ' của kiến khiến người xem giật mình ngã ngửa
Eugenijus Kavaliauskas, nhiếp ảnh gia người Lithuania đã phóng đại con kiến 5 lần dưới kính hiển vi để chụp được bức ảnh cận cảnh khuôn mặt của nó.
Thoạt nhìn, bức ảnh khiến bạn liên tưởng đến cảnh tượng trong một bộ phim bom tấn kinh dị nào đó. Nhưng nếu nhìn kỹ hơn bạn có thể gặp ác mộng vì ám ảnh với vẻ mặt cận cảnh của một con kiến.
Dưới kính hiển vi, nhiếp ảnh gia người Lithuania đã ghi lại hình ảnh cho thấy đôi mắt đỏ rực, khuôn mặt ghê sợ với các chi tiết rõ nét của con kiến. Eugenijus Kavaliauskas đã bắt kiến trong một khu rừng gần nhà ở Tauragė, Lithuania.
Anh giải thích rằng: "Tôi luôn tìm kiếm các chi tiết, bóng tối và các góc khác biệt, khó có thể nhìn thấy. Với bản thân tôi, mục tiêu chính của nhiếp ảnh là trở thành người khám phá. Tôi bị mê hoặc bởi những kiệt tác của thiên nhiên, của tạo hóa".
Với hình ảnh phóng to, con kiến có vẻ mặt thực sự đáng sợ nhưng theo Eugenijus Kavaliauskas, trong thế giới tự nhiên, đó là loài vật nhỏ bé, không có gì đáng lo ngại. Anh nói: "Lần đầu tiên tôi đến với kỹ thuật chụp ảnh vi mô, tôi nghĩ rằng tất cả các loài bọ đều trông giống quái vật. Nhưng bây giờ, khi đã quen với nó, tôi đã ghi lại được nhiều khoảnh khắc kỳ diệu, vô cùng thú vị, đẹp đẽ vô cùng mà trước đây tôi chưa từng biết đến".
Eugenijus Kavaliauskas đã gửi hình ảnh đến Cuộc thi chụp ảnh thế giới nhỏ bé của Nikon và được bình chọn là một trong 57 hình ảnh đặc sắc lột tả vẻ khác biệt.
Eric Flem, Giám đốc Truyền thông tại Nikon Instruments cho biết: "Mỗi năm, Cuộc thi chụp ảnh thế giới nhỏ bé của Nikon nhận hàng loạt các hình ảnh siêu nhỏ thể hiện kỹ thuật và nghệ thuật mẫu mực. Năm nay cũng không ngoại lệ. Tại điểm giao thoa giữa nghệ thuật và khoa học, chúng tôi đã có được những hình ảnh tuyệt đẹp từ các nhà khoa học, nhiếp ảnh gia, thậm chí lập trình viên từ khắp nơi trên thế giới".
Bức ảnh của Eugenijus Kavaliauskas không phải là bức ảnh cận cảnh côn trùng duy nhất mà Nikon giới thiệu gần đây.
Bức ảnh về một con bọ ngọc lấm tấm màu đỏ và bức ảnh sặc sỡ của một con nhện nhảy táo bạo của nhiếp ảnh gia Andrew Posselt từ Đại học California, San Francisco, cũng nằm trong danh mục hình ảnh đặc sắc lột tả vẻ khác biệt.
Tuy nhiên, người chiến thắng trong cuộc thi năm nay là Grigorii Timin với hình ảnh đáng chú ý về bàn tay phôi thai của một con tắc kè ở Madagascar. Grigorii Timin cho biết: "Bàn tay phôi thai dài khoảng 3 mm, tôi chụp lại dưới kính hiển vi có độ phân giải cao".
Vị trí thứ hai thuộc về Caleb Dawson với hình ảnh mô vú cho thấy các tế bào co bóp bao bọc xung quanh các phế nang sản xuất sữa. Vị trí thứ ba thuộc về Satu Paavonsalo và Sinem Karaman với hình ảnh về mạng lưới mạch máu trong ruột của một con chuột trưởng thành.
Hoàng Dung (lược dịch)