Căn bệnh khiến nhiều chị em đột nhiên trở nên vụng về
Từ người phụ nữ năng nổ, nhanh nhẹn, chăm chỉ, đột nhiên chị Hương mắc chứng bệnh đường hầm cổ tay khiến cuộc sống bị đảo lộn
Chị Lê Lan Hương – 42 tuổi, Hà Nội than thở chị thường xuyên bị tê bì tay phải. Các ngón tay cứ dấm dích như có kiến bò. Điều quan trọng là chị Hương khó làm việc, cầm bút viết cũng khó. Có lúc chỉ cầm đũa ăn cơm chị cũng chào thua. Căn bệnh khiến chị Hương vô cùng khó chịu. Từ người phụ nữ năng động, đảm đang chị trở thành người đàn bà vụng về vì làm gì cũng trở nên khó khăn. Có lúc, chị rơi vào stress. Bàn tay tê bì cũng khiến chị ngủ không ngon. Người mệt mỏi.
Chị đi kiểm tra sức khoẻ, bác sĩ cho biết đó là hội chứng ống cổ tay hay còn gọi đường hầm cổ tay. Chị Hương phải mổ mới cải thiện được chức năng cầm nắm của mình.
Theo bác sĩ Trương Văn Tài – chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình phẫu thuật vi phẫu tạo hình, Bệnh viện quốc tế Minh Anh hội chứng ống cổ tay là một bệnh lý của ống cổ tay do vùng cổ tay có dây chằng ngang, dây chằng này như ròng rọc cho gân gấp lên được.
Khi dây chằng viêm dày lên làm hẹp ống cổ tay đè lên dây thần kinh giữa khiến cho người bệnh bị tê các ngón tay. Nặng hơn người bệnh như có kim châm chích ở ngón tay. Thậm chí, khi lái xe vẫn tê tay. Nặng hơn nữa chèn ép nặng làm tê vùng ngón cái nên người bệnh không thể cầm nắm được.
Nguyên nhân, phần lớn nguyên nhân vô căn (chiếm 70%), số còn lại có thể do các nguyên nhân nội sinh hoặc ngoại sinh.
BS Tài cho biết, hội chứng ống cổ tay không ảnh hưởng tới sức khoẻ nhưng lại ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Người bệnh tê mất cảm giác bàn tay ảnh hưởng tới công việc của họ. Thậm chí, một số bệnh nhân người ta nói rằng đang lái xe khoảng 10 – 15 phút tay tê phải dừng lại, lái xe luôn luôn cảm giác mất độ an toàn. Người bệnh có cảm giác đau xương ống cổ tay; dị cảm bàn tay; tê bì bàn tay; giảm hoặc mất cảm giác vùng thần kinh giữa chi phối; yếu cổ và bàn tay, có thể xảy ra ban ngày, ban đêm hoặc liên tục cả ngày.
Hội chứng ống cổ tay khiến người bệnh trở nên vụng về |
BS Tài cho biết việc điều trị ống cổ tay đơn giản nếu ở mức độ nhẹ thì uống thuốc, đeo nẹp ống cổ tay. Người bệnh đeo nẹp bằng vải có nhôm trong để dán lại. Có thể mua ở các nơi bán dụng cụ y khoa. Nếu bệnh nhân đáp ứng thuốc có thể hết hoàn toàn.
Ở bệnh nhân nặng bệnh nhân không đáp ứng thuốc vẫn có cảm giác tê khó chịu thì bệnh nhân có thể mổ. Nếu mổ thành công thì khả năng tái lại ít. Bệnh nhân có cơ địa xấu có thể chảy máu ống cổ tay tạo mô sẹo. Bệnh nhân phải dùng vật lý trị liệu để đánh tan sẹo giúp hiệu quả cao hơn. Việc mổ ống cổ tay hoàn toàn thẩm mỹ không lo sẹo. Có thể mổ nội soi nhưng cổ tay bé hai đường mổ cũng gần như mổ hở. Hơn nữa, mổ hở đỡ tốn kém hơn.
Thời gian mổ hội chứng ống cổ tay sẽ rất ngắn, khoảng 10 - 15 phút đã xong rồi. Việc nằm viện tùy thuộc vào cơ sở y tế. Một số cơ sở y tế buộc bệnh nhân phải ở lại. Một số nơi sẽ cho bệnh nhân về nhà ngay trong ngày hôm đó.
Để tránh hội chứng ống cổ tay hoàn toàn sẽ rất khó khan vì nhiều người dân đi lại bằng xe máy làm tăng áp lực cổ tay mỗi ngày, ngoài ra cũng có một số nguyên nhân là do thói quen, một số người có thói quen nằm kê tay nhiều kiểu khác nhau, đó cũng là nguyên nhân gây áp lực cổ tay. Để phòng hội chứng ống cổ tay, chúng ta có thể tập các động tác cho cổ tay để tăng sự dẻo dai cho khớp và giảm sự chèn ép ở ống cổ tay.
Khánh Chi