Cãi nhau với chồng, người phụ nữ uống 50 viên Paracetamol
Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, Quảng Ninh đã tiếp nhận 3 trường hợp uống Paracetamol tự tử do mẫu thuẫn tình cảm trong 1 tháng trở lại đây
Sự việc cảnh báo tình trạng nguy hiểm khi người bệnh uống thuốc quá liều/thuốc độc để giải quyết các mâu thuẫn.
Trường hợp đáng lưu ý là người bệnh nữ B.T.M., 37 tuổi trú tại Quảng Yên - Quảng Ninh đã tự mua và uống 50 viên Paracetamol 500 mg do mâu thuẫn tình cảm. Sau uống người bệnh có biểu hiện buồn nôn và nôn. Người nhà đã phát hiện và đưa người bệnh đến cấp cứu tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí.
Theo Bác sĩ Vũ Công Quân - Khoa Hồi sức tích cực Nội, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, đây là trường hợp ngộ độc paracetamol đến muộn ở giờ thứ 8. Nguy cơ hoại tử gan, gây suy gan cấp rất cao. Tuy nhiên người bệnh đã nhanh chóng được rửa dạ dày, lọc máu cấp cứu, điều trị chống độc theo đúng phác đồ ngay khi đến viện nên tránh được nguy cơ suy gan cấp.
Trường hợp khác, cũng vì giận chồng mà người bệnh đã uống 20 viên thuốc Paracetamol, người khác uống thuốc chuột… Sau khi được cấp cứu và điều trị kịp thời, may mắn các trường hợp đã ổn định và đủ điều kiện xuất viện.
Bệnh nhân ngộ độc Paracetamol |
Trước đó, khoa Hồi sức Tích Cực - Chống Độc, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM tiếp nhận cấp cứu cho bệnh nhi N.T.H.V (13 tuổi, nữ, ngụ tại Tiền Giang) ngộ độc suýt chết do uống 40 viên thuốc Paracetamol, loại 500mg.
Trước đó, V. đã tự uống 40 viên thuốc Paracetamol 500mg (thuốc gia đình mua để ở nhà uống trị nhức đầu, cảm cúm).
Sau 2 giờ uống thuốc, em V cảm thấy chóng mặt, buồn nôn, mệt,… nên nhắn tin cho người cha biết tình hình. Lúc này, cha của V. đã chạy về nhà và đưa con đến bệnh viện địa phương cấp cứu lúc 23h cùng ngày. Tại bệnh viện này, V. đã được rửa dạ dày, cho uống than hoạt tính nhưng tình trạng diễn tiến không thuận lợi nên bác sĩ chuyển lên tuyến trên.
Theo PGS Nguyễn Hữu Đức – nguyên giảng viên chính bộ môn Dược, đại học Y dược TP.HCM, liều dùng tối đa của Paracetamol là 60mg/kg cân nặng, liều tối đa hằng ngày không quá 4.000mg. Nếu dùng quá liều lượng sẽ dẫn tới ngộ độc.
PGS Nguyễn Hữu Đức cho biết ngộ độc Paracetamol rất phổ biến, đây là thuốc không phải kê đơn nên người mua dễ dàng mua. Nguyên nhân ngộ độc chủ yếu là do tự tử, ngoài ra còn gặp ngộ độc Paracetamol do dùng Paracetamol kéo dài và hoặc phối hợp nhiều loại thuốc chứa Paracetamol để giảm đau như hỗn hợp thần kinh, Decolgen, Pamin, Rhumenol... Trong số bệnh nhân ngộ độc thì một nửa trường hợp là do hỗn hợp thần kinh.
Paracetamol là thuốc giảm đau hạ sốt. Thuốc này an toàn hơn aspirin trong một số trường hợp (gần như không làm viêm loét dạ dày), nhưng lại độc tính đối với gan. Người ta ghi nhận đã có khá nhiều trường hợp ngộ độc Paracetamol dẫn đến hoại tử tế bào gan, đặc biệt ở người cao tuổi hoặc ở người có chức năng gan hoạt động kém. Paracetamol gây nhiễm độc gan là do dùng quá liều.
PGS Đức cho biết, Paracetamol được chuyển hóa chủ yếu ở gan. Trong cơ thể, Paracetamol được chuyển hóa hình thành chất chuyển hóa trung gian là N-acetyl benzoquinoneimin là chất độc. Khi sử dụng với liều thông thường, chất này sẽ nhanh chóng được khử độc tính bởi glutathion (do gan tiết ra) và thải qua nước tiểu.
Tuy nhiên, khi sử dụng liều quá cao, không đủ glutathion do gan tiết ra chuyển hóa, lượng N-acetyl benzoquinoneimin tạo thành tăng lên, sẽ hại tế bào gan, gây hoại tử gan dẫn đến hôn mê gan.
Ngoài ra, khi bị ngộ độc nặng, người bệnh có kích thích hệ thần kinh trung ương, kích động, và mê sảng. Tiếp theo có thể là ức chế hệ thần kinh trung ương; sững sờ, hạ thân nhiệt; mệt lả; thở nhanh, nông; mạch nhanh, yếu, không đều; huyết áp thấp; và suy tuần hoàn. Trụy mạch do giảm oxy huyết tương đối và do tác dụng ức chế trung tâm và có thể tử vong nhanh.
Đặc biệt, PGS. Đức cho biết nếu uống Paracetamol với nước có ethanol (bia, vang, rượu, rượu thuốc...) thì càng nguy hiểm hơn.
Khánh Chi