Cách lựa chọn hoa quả nhập khẩu chuẩn
Chị Lê Thanh Hải (Hà Đông, Hà Nội) vô cùng bức xúc khi bỏ tiền ra mua 3 kg lê Hàn Quốc nhưng khi nhận về thì sản phẩm không ngọt như lê Hàn Quốc chị vẫn mua.
Chị gọi điện tới cửa hàng bán thì nhân viên quanh co giải thích là sản phẩm nhập khẩu chính hãng. Chị Hải cho biết 3 kg lê giá cả triệu đồng nhưng ăn không bằng lê Việt Nam.
Chị Hải ngồi soi lại thì hoa quả nhãn hàng chỉ là mấy chữ Hàn Quốc dính vào mà không có tem QR để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Lúc này, chị Hải mới biết mình mua phải hàng không rõ nguồn gốc dù giá sản phẩm cũng đắt ngang các siêu thị chị vẫn mua.
Không riêng gì lê, dưa vàng Hàn Quốc có giá siêu rẻ cũng được bán rất nhiều. Người bán hàng khẳng định dưa vàng Hàn Quốc 100% vì được dán tem Hàn Quốc nhưng người tiêu dùng lại khó có thể truy xuất được nguồn gốc hàng hoá mình mua.
Nhiều người tiêu dùng đang rơi vào ma trận hoa quả nhập khẩu, bà Nguyễn Thị Xuân (khu đô thị Xa La, Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, gia đình bà trước đây cũng hay mua sản phẩm hoa quả nhập khẩu nhưng đến hiện tại các sản phẩm không nguồn gốc hay từ chợ cũng len lỏi vào cửa hàng hoa quả nhập khẩu, tiền đắt mà chất lượng không xứng nên bà Xuân quay về với hoa quả Việt Nam như chuối, ổi, nhãn, xoài.
Các loại hoa quả ôn đới gia đình cũng hạn chế dùng vì lo lắng không rõ nguồn gốc. Bà Xuân cho biết sợ nhất là hoa quả Trung Quốc nhưng đội lốt Hàn Quốc hoặc Mỹ.
Vì khó phân biệt bằng mắt thường nên bà Xuân gạt ra khỏi danh sách mua sắm của gia đình cho yên tâm. Nếu mua hoa quả đi biếu, bà Xuân cũng lựa chọn rất kỹ như mã vạch, mã QR.
Con trai bà Xuân còn mua hẳn ứng dụng check QR của các sản phẩm cho mẹ hàng năm nên bà chỉ cần lấy điện thoại là check được. Tuy nhiên, bà Xuân cũng e ngại nên tránh.
Trước đó, lực lượng quản ký thị trường Hà Nội cũng kiểm tra một cửa hàng bán hoa quả nhập khẩu nổi tiếng trên đường Nguyễn Chí Thanh, Ba Đình, Hà Nội phát hiện tại cơ sở bày bán hàng hóa gồm dưa lưới Nhật Bản và lựu Peru không có hóa đơn chứng từ theo quy định của pháp luật, không có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không có thông tin về đơn vị nhập khẩu và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, không rõ chất lượng, là hàng hóa nhập lậu.
Theo ông Suh Minho, đại diện đơn vị xuất khẩu lê Hàn Quốc tại Việt Nam, hiện có hai hình thức truy xuất , gồm chứng minh nguồn gốc xuất xứ qua tài liệu hồ sơ giấy tờ và truy xuất nguồn gốc bằng mã QR Code hay mã vạch.
Đây là việc hết sức cần thiết, tạo ra dòng chảy thông tin từ người sản xuất, đến người tiêu dùng.
Để nhận biết đúng lê Hàn Quốc thì người Việt chỉ cần quét mã QR, mã vạch trên các quả lê. Các loại lê Hàn Quốc nhập khẩu về Việt Nam đều được đơn vị nhập khẩu dán mã QR.
Nếu người mua hàng check mã này hiện lên thông tin Hàn Quốc, website của Hàn Quốc thì sản phẩm chính là lê Hàn Quốc. Còn nếu không check được thông tin, hoặc lên các thông tin khác thì không phải là sản phẩm của lê Hàn Quốc.
Tương tự, với các loại trái cây như táo, dưa cũng được các nhà nhập khẩu dán tem QR, tem chống hàng giả lên từng sản phẩm.
Ông Vũ Văn Trung – Phó Chủ tịch hội Bảo vệ người tiêu dùng, cho rằng để quản lý chặt chẽ hoa quả nhập khẩu cơ quan quản lý thị trường phải tích cực kiểm tra hơn nữa để ngăn chặn tình trạng này.
Nếu chúng ta không làm quyết liệt thì quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng không được đảm bảo.
Khi mua hàng, để xác định hàng đúng là nhập khẩu hay không người tiêu dùng có thể trao đổi với người bán hàng để xem thông tin các sản phẩm mình mua, nguồn gốc hoá đơn chứng từ, tránh mua phải hoa quả trôi nổi phù phép thành hoa quả nhập khẩu xịn.
K.Chi