Cách hay giúp trẻ nói lời xin lỗi dễ dàng hơn
Cha mẹ có thể quát mắng khiến con sợ hãi mà nói lời xin lỗi, nhưng điều đó liệu có giúp chúng cảm thấy thực sự hối hận, sửa đổi và làm tốt hơn vào lần sau?
Trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ thường bảo con rằng 'hãy nói xin lỗi anh/chị/cha/mẹ đi' khi chúng nghịch ngợm, gây ra sai lầm, mắc lỗi như lấy đồ chơi của bạn bè, đánh anh chị em mình...
Và thường thì sau câu xin lỗi câu chuyện sẽ kết thúc mà không có bất kỳ cuộc thảo luận nào về những gì đã xảy ra. Cha mẹ thường không giải thích lý do vì sao hành động của con lại gây tổn thương cho người mà con nói lời xin lỗi, cách con có thể giải quyết sai lầm mà bản thân gây ra hay những gì có thể làm để thay đổi hành vi của mình.
Những câu 'xin lỗi' chiếu lệ này, nhất là khi phải thốt ra một cách miễn cưỡng sẽ không có tác dụng gì để giải quyết tình huống hoặc hành vi nhưng chúng vẫn là lời xin lỗi cơ bản mà trẻ em tiếp tục sử dụng khi trưởng thành.
Tuy nhiên, dù người đưa ra lời xin lỗi là người lớn hay trẻ em, một lời xin lỗi thực sự cần chứa đựng sự thừa nhận rằng bạn đã làm sai điều gì đó.
Nghe có vẻ đơn giản nhưng để thực hiện đúng lại rất khó vì về cơ bản không ai thích thừa nhận sai lầm. Nguyên nhân có thể xuất phát từ tâm lý người làm sai có thể thấy xấu hổ hoặc sợ hãi hậu quả.
Với trẻ em, cảm giác phức tạp hơn, đó được gọi là mâu thuẫn về nhận thức. Ví dụ một đứa trẻ tin rằng bản thân mình là một người tử tế, ngoan ngoãn nhưng khi chúng mắc sai lầm, thường cha mẹ sẽ nói 'con hư quá'. Điều này dễ gây ra tâm lý mâu thuẫn ở trẻ. Làm thế nào để con giảm bớt căng thẳng khi đón nhận trạng thái đối nghịch như vậy? Thông thường cha mẹ sẽ giải thích rằng những lỗi xảy ra vừa qua thực sự không tệ như vậy.
Cha mẹ cần dạy con nói lời xin lỗi chân thành. (ảnh minh họa) |
Cách dạy con xin lỗi đúng cách của cha mẹ
Cách dạy con thực hiện lời xin lỗi cũng quan trọng như chính lời xin lỗi. Để xóa bỏ sự kỳ thị đối với những lời xin lỗi, cha mẹ cần phải có chủ ý về cách phản ứng với những lỗi lầm của trẻ.
Bước đầu tiên để dạy con xin lỗi là hướng dẫn con bạn và chính cha mẹ nên 'lùi lại một bước', không phản ứng ngay.
Giả sử trong trường hợp con giật lấy món đồ chơi của bạn và bỏ chạy, để lại người bạn của mình đang khóc. Phản ứng của cha mẹ sẽ là la lớn 'đừng chạy, trả lại đồ chơi cho bạn và xin lỗi ngay' ...
Nhưng ngay lúc này, bắt chúng giải quyết hậu quả hành động trong lúc nóng nảy sẽ không hiệu quả. Đầu tiên là con cần trở nên bình tĩnh trước khi sẵn sàng lắng nghe bố mẹ phản ánh hành động của mình.
Ellen Goldsmith, một chuyên gia về trẻ em và thanh thiếu niên cho biết: "Sẽ không thực sự khôn ngoan nếu cha mẹ cố gắng dạy dỗ khi đang tức giận hoặc con trẻ đang khó chịu phản kháng. Cha mẹ cũng không thể dạy khi đang cảm thấy xấu hổ trước mặt người khác".
Hãy chờ khi cả hai bình tĩnh, cha mẹ sẽ giải quyết bằng cách giải thích cho con về những gì đã xảy ra.
Nói về cảm xúc
Phần này giúp con bạn hiểu ra cảm nhận của bản thân là gì và những cảm xúc đó sẽ dẫn đến hành vi như thế nào.
Trong tình huống ở trên, cha mẹ có thể hỏi con rằng "con cảm thấy thế nào trước khi lấy đồ chơi của bạn?". Có lẽ chúng ghen tị với món đồ chơi của người bạn hoặc chúng đã quá mệt mỏi và cần thời gian nghỉ ngơi.
Dù lý do là gì thì vấn đề phải được nhấn mạnh rằng hành động của con sai chứ không phải cảm xúc. Mọi cảm xúc đều có thể chấp nhận, vấn đề là cách con đối phó với chúng.
Một khi con hiểu hơn về cảm xúc và hành vi của mình, thì tiếp sau đó hãy nói về cảm giác của đối phương. Cha mẹ có thể hỏi ngược lại con rằng điều gì sẽ xảy ra nếu con là bạn, người bị giằng lấy đồ chơi.
Sau đó, cha mẹ hướng dẫn con giải quyết vấn đề bằng cách đặt câu hỏi xem chúng sẽ làm gì khác đi nếu có thể quay trở lại. Cho trẻ thấy rằng sai lầm là cơ hội để suy nghĩ và học hỏi. Cách nhìn nhận sai lầm và chống lại sự phòng thủ bản năng đi kèm với việc thừa nhận hành vi sai trái.
Thành phần của một lời xin lỗi tốt
Bây giờ con bạn đã sẵn sàng xin lỗi. Lời xin lỗi chân thành cần ưu tiên cảm xúc của người kia cũng như thể hiện sự hối hận.
Một lời xin lỗi tốt cần phải bao hàm một số điều: Nêu tên tổn hại đã gây ra, thành thật hối hận và cần sửa chữa tổn hại theo một cách nào đó. Ví dụ như bằng cách cho thấy người mắc lỗi đã thay đổi như thế nào hoặc bằng một số hành động khác trong tương lai.
Một vài gợi ý nói lời xin lỗi trong trường hợp trên: 'Tôi xin lỗi vì đã lấy đồ chơi của bạn mà không hỏi. Thực sự hành vi này là sai vì điều đó đã làm tổn thương cảm xúc của bạn và đây không phải đồ chơi của tôi. Sau này, tôi sẽ chơi với thứ khác thay vì lấy đồ chơi của bạn".
Sau khi con xin lỗi, cha mẹ hãy đặt câu hỏi trẻ có thể làm gì để giúp đỡ mọi người trong tương lai.
Thực sự, học cách xin lỗi thật lòng, phát hiện ra những lời xin lỗi không chân thành và chấp nhận những sai lầm, đặc biệt là ở độ tuổi nhỏ là một chặng đường dài hướng tới sự đồng cảm, giúp sống có trách nhiệm hơn và ngăn chặn hành vi xấu để trở thành một người trung thực trong tương lai.
HD (lược dịch)