Các mô hình kinh tế tập thể góp phần tạo việc làm, ổn định kinh tế - xã hội
Ngày 29/12/2022, Văn phòng Đổi mới kinh tế tập thể, hợp tác xã – Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 và xây dựng Chương trình công tác năm 2023.
Hội nghị được tổ chức với mục đích nhìn lại kết quả các hoạt động đã triển khai trong năm qua, đánh giá những kết quả đạt được cũng như những khó khăn, vướng mắc để cùng tìm giải pháp cho những năm tiếp theo.
Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Chu Thị Vinh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác, Phó Chánh Văn phòng Đổi mới phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã nhấn mạnh: “Phát triển khu vực kinh tế tập thể là chủ trương xuyên suốt và nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã khẳng định, thời gian tới, Việt Nam tiếp tục phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó, kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển. Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 vừa qua cũng tiếp tục khẳng định kinh tế tập thể là một thành phần kinh tế quan trọng, cùng với kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân, phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu khách quan, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị”.
Bà Vinh cũng cho biết: Ước tính ước đến cuối năm 2022, cả nước có 29.378 hợp tác xã, 125 liên hiệp hợp tác xã và 71.000 tổ hợp tác. Nhìn chung, các chỉ số về hoạt động của khu vực kinh tế hợp tác đều tăng so với năm 2021.
Theo Báo cáo Kết quả công tác năm 2022 và dự kiến chương trình công tác năm 2023 của Ban Chỉ đạo Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, năm 2022, cả nước có khoảng 2.600 hợp tác xã thành lập mới, 564 hợp tác xã giải thể. Toàn quốc hiện có khoảng 19.500 hợp tác xã nông nghiệp và 9.878 hợp tác xã phi nông nghiệp.
Thời gian qua, Chính phủ đã thực thi nhiều chính sách hỗ trợ hợp tác xã, hộ kinh doanh và người dân khôi phục sản xuất, kinh doanh. Doanh thu bình quân của các hợp tác xã đạt 3,592 tỷ đồng/hợp tác xã/năm, tăng khoảng 35% so với năm 2021.
“Các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã phục hồi sản xuất kinh doanh góp phần tạo việc làm, ổn định kinh tế - xã hội. Nhiều mô hình hợp tác xã nông nghiệp có vai trò quyết định và đóng góp lớn trong sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn. Hợp tác xã đóng góp vai trò quan trọng trong việc liên kết, hỗ trợ thành viên cả về kinh tế lẫn kỹ thuật sản xuất, kỹ năng quản trị; là nơi để các thành viên được tham gia tổ chức, quản lý sản xuất, kinh doanh…”, báo cáo nêu.
Dự kiến trong năm 2023, một số phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp sẽ được tập trung triển khai gồm: Hoàn thiện các văn bản triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Đảng; Tiếp tục nghiên cứu, khảo sát để hoàn thiện Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua. Xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật theo tiến độ kế hoạch đề ra trong năm 2023; Kiện toàn và nâng cao vai trò của Ban Chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể, kiện toàn nhân sự, bộ máy giúp việc cho Ban Chỉ đạo các cấp để tạo sự thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt, toàn diện trong lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, điều hành, tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết 20-NQ/TW; Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về kinh tế tập thể, hợp tác xã, các hoạt động của Ban Chỉ đạo để góp phần nâng cao nhận thức của người dân và cả hệ thống chính trị về mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã…
Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Phùng Quốc Chí, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý: Để triển khai tốt các nhiệm vụ trong năm 2023, Ban Chỉ đạo và các thành viên chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục phát hiện, nắm bắt từ thực tiễn các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã kiểu mới hoạt động hiệu quả để phổ biến, nhân rộng.
Cùng với đó, nghiên cứu xây dựng các mô hình đầu tư công - quản trị cộng đồng và cơ chế, chính sác đặc thù cho kinh tế tập thể theo tinh thần của Nghị quyết 20-NQ/TW để từng bước thể chế thành các cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy sự phát triển kinh tế tập thể.
Lam Anh