Các loại ma túy mới cũng tạo ra nguy cơ lây nhiễm HIV
Đây là cảnh báo của ông Taoufik Bakkali, Quyền Giám đốc khu vực Văn phòng UNAIDS, Châu Á – Thái Bình Dương tại lễ Lễ mít tinh nhân dịp Tháng quốc gia hành động phòng, chống HIV/AIDS năm 2022 vào ngày 26/11.
Ông Taoufik Bakkali cho biết, trong báo cáo toàn cầu của UNAIDS đã nêu rõ những bất bình đẳng đang kìm hãm nỗ lực chung hướng tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS để AIDS không còn là một mối nguy cho sức khỏe cộng đồng.
Báo cáo có phần phân tích các thách thức đa chiều mà những nhóm dân số chính chịu ảnh hưởng bởi HIV đang phải đối mặt – trong bối cảnh dịch HIV tập trung như ở Viêt Nam, những nhóm này bao gồm người sử dụng và tiêm chích ma túy, người đồng tính nam và những nam giới khác có quan hệ tình dục đồng giới, phụ nữ chuyển giới, người bán dâm và vợ/chồng, bạn tình của những người này.
Đánh giá cao vai trò lãnh đạo, cam kết và các hành động mạnh mẽ, quyết liệt trong phòng, chống HIV/AIDS – bao gồm trong hai năm vất vả phòng, chống COVID-19 vừa qua, ông Taoufik Bakkali cho rằng Việt Nam đã thành công trong việc đẩy mạnh hơn nữa việc đưa vào thí điểm và triển khai mở rộng các sáng kiến mới lấy con người làm trọng tâm trong phòng, chống HIV/AIDS, trở thành điểm sáng trong áp dụng các sáng kiến mới.
Có thể kể đến đề án cấp phát thuốc methadone nhiều ngày, sáng kiến phân phát test để tự xét nghiệm HIV qua mạng internet, cấp phát thuốc ARV nhiều ngày và tốc độ mở rộng rất ấn tượng độ bao phủ dịch vụ dự phòng HIV trước phơi nhiễm (PrEP) mà gần đây nhất là phát động chương trinh cung cấp PrEP từ xa.
“Những bước tiến này đã không thể đạt được nếu thiếu cam kết chính trị và vai trò lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ trong phòng chống HIV của Việt Nam”, ông Taoufik Bakkali nhấn mạnh.
Tuy vậy, quyền Giám đốc khu vực Văn phòng UNAIDS, Châu Á – Thái Bình Dương cũng lưu ý, Việt Nam cần nhìn thấy thách thức ở phía trước vẫn còn nhiều.
Số liệu quốc gia cho thấy tiến độ phòng chống AIDS giữa các tỉnh thành còn chưa đồng đều, số ca nhiễm HIV được phát hiện gia tăng trong các nhóm trẻ có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV, tỷ lệ thanh thiếu niên làm xét nghiệm HIV và biết kết quả còn thấp, thấp tương tự là tỷ lệ bao phủ điều trị trong nhóm thanh thiếu niên được chẩn đoán nhiễm HIV1.
“Chưa đến 50% thanh thiếu niên Việt Nam có hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV và có đến 40% thanh thiếu niên Việt Nam vẫn còn có thái độ phân biệt đối xử với HIV”, ông Taoufik Bakkali nhấn mạnh.
Việt Nam đã đạt kết quả vô cùng ấn tượng về bao phủ bảo hiểm y tế trong người sống với HIV – đạt 95%, đã có gần 90% số người điều trj ARV được chi trả từ nguồn bảo hiểm y tế, và có hơn 95% những người điều trị ARV được xét nghiệm tải lượng HIV thường xuyên đã đạt được tải lượng dưới ngưỡng ức chế.
Tuy vậy, ông Taoufik Bakkali cho rằng quá trình chuyển đổi điều trị HIV sang nguồn bảo hiểm y tế vẫn còn một số phức tạp, đòi hỏi sự thích ứng và điều chỉnh của cả con người và hệ thống, để có thể thực hiện và duy trì bền vững được mục tiêu 95-95-95 trong xét nghiệm và điều trị HIV.
Một số vấn đề mới nổi như việc sử dụng các loại ma túy mới cũng tạo ra nguy cơ về lây nhiễm HIV và các vấn đề sức khỏe khác, cần đến sự phối hợp đa ngành và môi trường chính sách thuận lợi hơn nữa để có thể đáp ứng hiệu quả.
Những thành quả đã đạt được cần được củng cố vững chắc hơn nữa để tránh trường hợp dịch HIV tái bùng phát như chúng ta đã thấy ở một vài quốc gia trong khu vực.
“Dù còn nhiều khó khăn phức tạp, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để hiện thức hóa mục tiêu chấm dứt AIDS vào năm 2030.
Để làm được như vậy, chúng ta hãy cùng nỗ lực với quyết tâm cao hơn nữa, để đẩy mạnh tiến độ phòng chống HIV ở tất cả các cấp, các địa phương.
Hãy triển khai rộng và nhanh hơn nữa các sáng kiến lấy con người làm trung tâm trong phòng chống HIV, để tạo điều kiện cho mọi người dân được tiếp cận dịch vụ theo nhu cầu và phẩm giá.
Hãy bảo đảm nguồn lực về con người và tài chính cần thiết để có thể thực hiện các mục tiêu quốc gia trong phòng chống HIV/AIDS”, ông Taoufik Bakkali kiến giải.
N. Huyền