95% người nhiễm HIV tham gia BHYT
Theo thứ trưởng, trải qua 10 năm nỗ lực Việt Nam đã thực hiện tiến trình chuyển đổi các nguồn lực tài chính trong nước cho công tác phòng chống HIV/AIDS với một số kết quả ấn tượng.
Theo đó, tỷ trọng các nguồn tài chính trong nước đã tăng lên tới hơn 51% trong đó tỷ trọng ngân sách địa phương phân bổ cho phòng, chống HIV/AIDS không ngừng tăng lên qua các năm tăng từ 8% lên tới 17% .
Đặc biệt, Quỹ Bảo hiểm y tế là bước đột phá của chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam với 95% người nhiễm HIV tham gia BHYT tăng gấp 2 lần trong vòng 5 năm.
Theo đó, tính đến nay, quỹ BHYT trung bình chi trả 400 tỷ đồng/năm, trong đó khoảng 200 tỷ đồng cho dịch vụ KCB BHYT và 200 tỷ đồng cho thuốc ARV.
Nguồn quỹ BHYT nâng tỷ trọng của Quỹ BHYT trong tổng chi cho HIV/AIDS tăng từ 4% lên tới 9%, chiếm tới 25% nguồn lực trong nước cho HIV.
Đánh giá về công tác phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam, ông Marc Knapper, Đại sứ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam đánh giá, từ năm 2019 đến năm 2022, quỹ bảo hiểm y tế của Việt Nam đã đóng góp khoảng 10 triệu đô la Mỹ hàng năm cho các chương trình chăm sóc và điều trị HIV, đáp ứng tới 70% tổng nhu cầu thuốc ARV thiết yếu tại Việt Nam.
“Đây là một thành tích đáng ghi nhận, nhất là khi so sánh các nguồn lực trong nước chiếm chưa đến 10% kinh phí cho thuốc ARV trước năm 2019. Việc đưa các dịch vụ điều trị HIV vào nền tảng bảo hiểm y tế xã hội là một ví dụ điển hình cho thấy tiến bộ của Việt Nam trên hành trình hướng tới duy trì bền vững ứng phó quốc gia với HIV.
Thành tựu này được xây dựng dựa trên thành tích ấn tượng của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện một chương trình ứng phó HIV quốc gia tiên tiến và sáng tạo. Ví dụ, điều trị bằng Methadone, dự phòng lây truyền từ mẹ sang con và dịch vụ lao/HIV cũng đã huy động thành công các nguồn lực trong nước...”, ông Marc Knapper nhấn mạnh.
Thông tin mới nhất từ Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, cho biết, hiện nước ta ước tính có khoảng 242.000 người nhiễm HIV/AIDS. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2022, có 9.000 ca phát hiện mới và có 1.378 trường hợp đã tử vong.
Trong đó, các tỉnh phía Nam đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long và TPHCM là 2 khu vực phát hiện nhiều người nhiễm mới HIV/AIDS nhất trong năm 2022. Đáng lưu ý, ước tính 84 - 86% số ca HIV/AIDS phát hiện mới hàng năm là nam giới với khoảng 50% người nhiễm HIV thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), trong khi trước đây đường lây nhiễm chủ yếu là tiêm chích ma túy.
N. Huyền