Xông hơi vùng kín, bà mẹ trẻ phải vào viện cấp cứu
TS BS Nguyễn Hữu Trung – Trưởng phòng khám sản, BV Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở hai cho biết các bác sĩ vừa tiếp nhận một ca bệnh bỏng nặng vùng kín vì xông hơi.
Sản phụ sinh thường và đã về nhà nghỉ thai sản. Theo quan niệm của dân gian xông hơi để cải thiện “cửa mình” sau chuyển dạ, sản phụ được người nhà chuẩn bị để xông vùng kín. Kết quả bỏng nặng do nước sôi.
Theo quan điểm dân gian, xông vùng sàn chậu sau sinh để kích thích sản dịch thoát nhanh hơn. Tuy nhiên, việc xông hơi vùng kín ngay tại nhà vô cùng nguy hiểm.
Hiện nay, các chị em thường bị thiếu thông tin và hay bị ảnh hưởng bởi các quan niệm dân gian.
Chị Lê Thị Ngọc (thành phố Thanh Hoá) cho biết chị vừa sinh thường bé gái đầu lòng. Sau sinh chị được hướng dẫn xông hơi vùng kín bằng lá trầu để cửa mình không bị lỏng lẻo. Mỗi ngày, mẹ chị đều nấu nước trầu không, kinh giới để chị xông.
Sau sinh tử cung của mọi mẹ bầu đều thường xuyên co bóp, đẩy sản dịch ra khỏi cơ thể. Vùng kín chính thức trở thành môi trường lý tưởng gây viêm nhiễm, nấm ngứa.
Nếu vệ sinh không kỹ, vùng kín sẽ có mùi hôi khó chịu, nặng hơn là viêm nhiễm phụ khoa, các vết thương trong quá trình sinh nở sẽ sưng tấy, đỏ, đau.
Xông sàn chậu để thúc đẩy quá trình đào thải sản dịch ra ngoài, làm sạch buồng tử cung và âm đạo, hỗ trợ vết khâu tầng sinh môn mau lành, giảm viêm, giảm sưng nề, giúp ngăn ngừa nhiễm khuẩn âm đạo.
Xông hơi còn giúp khử mùi hôi vùng kín, tạo cảm giác thoải mái, tự tin cho mẹ sau sinh, giúp khí huyết lưu thông, điều hoà kinh mạch.
Tuy nhiên, BS Trung cho biết mỗi người có một cơ chế sinh học khác nhau, xông hơi không đúng cách theo các hướng dẫn trên mạng hoặc từ truyền miệng sẽ lợi bất cập hại.
Nhiều trường hợp bệnh nhân nữ đến bệnh viện với vùng kín bị khô, thâm đen và xuất hiện những đốm đồi mồi do tự ý xông hơi và đắp thuốc cho âm đạo tại nhà.
Thậm chí, bệnh nhân còn bị phỏng cấp độ 1 đến 3 dẫn đến sưng tấy và nhiễm trùng vùng kín do tiếp xúc với chậu xông quá gần.
Việc xông hơi sàn chậu sau sinh được nhiều bệnh viện áp dụng, tuy nhiên, các sản phụ sẽ được hướng dẫn xông bằng hệ thống chiếu tia hồng ngoại làm ấm nóng vùng sản chậu, đảm bảo an toàn cho sản phụ.
TS Trung cũng khuyến cáo thêm, tình trạng xông khí than ở một số tỉnh phía Bắc nhất là vào mùa đông dẫn tới ngộ độc khí CO tăng lên.
Hầu như năm nào cũng có các trường hợp ngộ độc khí vì nằm than sau sinh. Đây là quan điểm sai lầm vì việc nằm than không cải thiện sức khoẻ sản phụ, không làm giảm hậu sản như dân gian vẫn nghĩ.
BS Trung cho rằng tình trạng kiêng cữ sau sinh ở một số nơi vẫn còn rất cổ hủ. Sản phụ sau sinh chỉ ở nhà, trong phòng kín, kiêng tắm rửa, kiêng gội đầu dẫn tới tình trạng viêm da do mất về sinh, ảnh hưởng tới cả sức khoẻ của mẹ và bé.
Hiện nay sau sinh bà mẹ đều được nhân viên y tế hướng dẫn vệ sinh cơ thể hàng ngày tránh viêm nhiễm. Bà mẹ sau sinh 2 đến 3 ngày có thể tắm gội đầu bằng nước ấm.
Phụ nữ sinh thường cần lưu ý rửa sạch âm hộ sau khi tiểu và đại tiện để tránh nhiễm trùng tầng sinh môn. Việc đi lại, vận động sớm sau sinh được khuyến khích cho cả mẹ sinh thường và sinh mổ.
Việc đi lại giúp cơ thể nhanh hồi phục hơn là chỉ nằm im một chỗ như quan niệm dân gian vẫn áp dụng. BS Trung cho rằng nếu sản phụ mệt mỏi, áp lực, có vấn đề về tâm lý cũng cần được tư vấn và khám sớm tránh trầm cảm sau sinh.
Khánh Chi