Bộ trưởng Bộ Y tế: Có thể xuất hiện đợt dịch thứ 4 tại Việt Nam
Đây là nhận định của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại hội nghị trực tuyến bảo đảm an toàn phòng, chống Covid-19 với sự kết nối của 700 điểm cầu diễn ra vào sáng nay (26/3).
Bộ trưởng Bộ Y tế lo ngại có đợt dịch lần thứ 4 bùng phát tại Việt Nam |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, thời gian qua, Việt Nam đã kiểm soát thành công 3 đợt dịch Covid-19. Đợt dịch cuối cùng tại Hải Dương có số ca nhiễm khá cao. Đến nay vẫn có một số ca mắc rải rác.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Y tế cũng lo ngại có thể xuất hiện đợt dịch thứ 4, "nguy cơ này ở mức cao và mang tính hiện hữu".
Lý do vì tình hình dịch trên thế giới, các nước trong khu vực như Myanmar, Campuchia… còn phức tạp. Trong khi đó, nước ta có đường biên trải dài, rộng. Tại biên giới Tây Nam gần như không có đường biên, chỉ có cột mốc trên cánh đồng. Quản lý xuất nhập cảnh đường biển hết sức khó khăn. Việc nhập cảnh trái phép diễn ra phức tạp.
Bằng chứng là, sáng 26/3, Việt Nam ghi nhận hai ca bệnh nhập cảnh trái phép qua đường biển vào Phú Quốc, sau đó đi về Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh. Hiện, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương có trường hợp nhập cảnh lập tức cách ly ngay tại địa phương.
Đây là trường hợp xác định được nhưng có thể có trường hợp nhập cảnh trái phép vào không phát hiện được và có thể có người không có dấu hiệu về mặt lâm sàng, có thể thành nguồn truyền nhiễm trong cộng đồng.
“Bộ Y tế đề nghị các địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch về xét nghiệm, truy vết, cách ly, điều trị. Để khi xảy ra dịch thì các địa phương không bỡ ngỡ, luống cuống. Xử lý càng nhanh, hạn chế mức độ ảnh hưởng với cộng đồng”, Bộ trưởng nói.
Về vấn đề tiêm phòng vắc xin Covid- 19, Bộ trưởng cho biết, đang nỗ lực tiếp cận nguồn vắc xin trên toàn thế giới. Ba tuần đầu tháng 4 sẽ không có vắc xin nào về Việt Nam.
Bộ Y tế, Cục Quản lý dược có hai văn bản gửi các đơn vị, gửi các đại sứ tăng cường tiếp cận nguồn vắc xin cho Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế việc khan hiếm vắc xin là hiện hữu và là thách thức với các nước, nhất là nước đang phát triển như nước ta. Việt Nam không phải là nước ưu tiên về vắc xin vì đang kiểm soát dịch rất tốt.
Về lo ngại phản ứng không mong muốn sau tiêm, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, mọi loại vắc xin cả cũ và phát triển thời gian gần đây đều có phản ứng thông thường và không mong muốn.
Phản ứng thông thường hết nhanh và tỷ lệ này khá cao. Một số nước châu Âu dừng tiêm vắc xin để đánh giá khả năng có thể có tình trạng đông máu. Sau khi đánh giá cơ quan Dược phẩm châu Âu không có tuyên bố liên quan nào và một số nước đã quay trở lại tiêm vắc xin.
Cụ thể:
Bệnh nhân nữ, 25 tuổi, quốc tịch Việt Nam, địa chỉ ở Trà Ôn, Vĩnh Long. Ngày 22/3, bệnh nhân nhập cảnh trái phép vào Việt Nam qua tàu cá tại Phú Quốc, sau đó về TP.HCM bằng đường biển và đường bộ.
Ngày 24/3, bệnh nhân đến làm xét nghiệm tại Bệnh viện FV, TP.HCM. Ngày 25/3, bệnh nhân có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi.
Bệnh nhân nữ, 25 tuổi, quốc tịch Việt Nam, địa chỉ ở Cẩm Phả, Quảng Ninh. Ngày 22/3, bệnh nhân cùng nhập cảnh trái phép vào Việt Nam qua tàu cá tại Phú Quốc với bệnh nhân kể trên. Cùng ngày, bệnh nhân cùng một người khác lên chuyến bay VJ458 di chuyển từ Phú Quốc về sân bay Nội Bài, sau đó đi xe riêng về Hải Phòng.
Ngày 24/3, bệnh nhân đến làm xét nghiệm tại Bệnh viện Vinmec Hải Phòng. Ngày 25/3, bệnh nhân có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, người đi cùng bệnh nhân có kết quả âm tính.
N. Huyền