Bình Thuận: Đưa thanh long thành sản phẩm chủ lực, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu
Với mục tiêu đưa thanh long trở thành sản phẩm chủ lực của tỉnh, đảm bảo an toàn, chất lượng và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, tỉnh Bình Thuận khuyến khích, hỗ trợ người dân trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết, tính đến cuối tháng 11/2021, diện tích thanh long của tỉnh khoảng 33.770 ha, trong đó diện tích thanh long được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP là 12.291 ha.
Bình Thuận: Đưa thanh long thành sản phẩm chủ lực, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu |
Hàng năm, ngành nông nghiệp phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan và các địa phương triển khai nhiều giải pháp khuyến khích, hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP.
Từ đầu năm 2021 đến nay, Bình Thuận có thêm 39 cơ sở mới tham gia sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, với diện tích 934,8 ha. Trong đó, huyện Hàm Thuận Nam có 23 cơ sở với diện tích 650 ha; huyện Hàm Thuận Bắc có 4 cơ sở với diện tích 35 ha; huyện Bắc Bình có 10 cơ sở với diện tích 150 ha; thị xã La Gi có 03 cơ sở với diện tích 30 ha; thành phố Phan Thiết 1 cơ sở có diện tích 10 ha; huyện Tuy Phong có 3 cơ sở với diện tích 20 ha; huyện Hàm Tân 2 cơ sở có diện tích 20 ha.
Như vậy, tính đến tháng 11/2021, toàn tỉnh có 12.290,94 ha thanh long được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, đạt 111,73% so với kế hoạch giao trong năm 2021.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận đánh giá, nhìn chung các cơ sở sau khi được thành lập đã tiến hành các bước sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, như đã xây dựng quy trình canh tác, viết nhật ký sản xuất; được hướng dẫn các biện phòng chống bệnh đốm nâu trên cành thanh long… và được đánh giá chứng nhận đạt chỉ tiêu VietGap.
Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp chặt chẽ với các địa phương để tuyên truyền, vận động, tư vấn nông dân, doanh nghiệp tham gia sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP.
Mục tiêu là đưa trái thanh long Bình Thuận trở thành sản phẩm chủ lực của tỉnh, đảm bảo an toàn, chất lượng và đáp nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu.
PV