Biểu hiện của trầm cảm và 5 câu hỏi xác định ai đang trầm trọng, nguy cơ tự sát
BS Huỳnh Thanh Hiển – Bệnh viện Tâm thần TP.HCM cho biết trầm cảm đang ngày càng gia tăng và đặc biệt ở giới trẻ, nữ giới.
BS Hiển cho biết trầm cảm gắn liền với xã hội hiện đại khi cuộc sống càng hiện đại bệnh lý này càng gia tăng. Và trong 2 năm qua dịch bệnh Covid-19 càng làm cho trầm cảm gia tăng hơn nữa.
BS Hiển cho biết hơn 20 năm trước, mỗi ngày chỉ có khoảng 50 bệnh nhân khám vì trầm cảm lo âu thì đến nay gấp 10 lần thậm chí có ngày lên tới cả nghìn bệnh nhân.
Theo báo cáo của Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), mỗi năm Việt Nam có hơn 40.000 người tự tử do trầm cảm. Ở lứa tuổi học sinh, sinh viên, tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm cao hơn so với nhóm quần thể chung từ 4% đến 6%. Bệnh trầm cảm không tự biến mất, nếu không điều trị. Thậm chí, nếu không được điều trị kịp thời, các triệu chứng trầm cảm tiếp tục trong nhiều tuần hoặc vài tháng, thậm chí nhiều năm…
Ảnh minh hoạ. |
Người bị trầm cảm thường phải tự mình đối mặt với những áp lực, lo âu, thấp thỏm, những nỗi niềm không biết bày tỏ cùng ai. Số ít khác trầm cảm do cả sa sút trí tuệ, rối loạn giấc ngủ… Chứng trầm cảm cần được phát hiện kịp thời và điều trị bằng phương pháp tâm lý và hóa dược.
Nếu bạn thấy người thân của mình có các biểu hiện như thích ở một mình, không muốn làm gì, buông xuôi, muốn tâm sự, khó ngủ… đó là các biểu hiện trầm cảm nhẹ. Ở giai đoạn nặng hơn người bệnh có các biểu hiện sợ hãi, bi quan, mất niềm tin vào cuộc sống, có các hành vi tự huỷ hoại bản thân mình.
Nguy hiểm nhất của trầm cảm đó là hành vi tự sát. Người bị trầm cảm đi đến quyết định tự tử sẽ trải qua 3 giai đoạn, gồm: có ý định tự tử, mưu toan tự tử và cuối cùng là tự tử.
Với những người ở một mình, không có người chia sẻ thì họ càng dễ nảy sinh ý định tự tử. BS Hiển cho biết, nhiều trường hợp sống ở chung cư, môi trường khép kín, ít tiếp xúc, ít giao tiếp và ý tưởng tự tử càng trở thành sự thật.
Để nhận biết dấu hiệu người trầm cảm có tự tử hay không? BS Hiển cho biết bạn cần nhớ 5 câu hỏi theo trình tự để phát hiện và đánh giá mức độ mãnh liệt của ý tưởng này, qua đó có thể phòng ngừa 1 ý định chuyển thành hành vi tự sát.
Thứ nhất, một mặc cảm thất bại: khi được hỏi là bệnh nhân có nghĩ rằng mình là 1 kẻ thất bại, với trẻ đi học thì là 1 mặc cảm thua sút bạn bè.
Thứ hai, một mặc cảm vô dụng: bệnh nhân cho rằng mình là 1 người vô dụng với gia đình, với trẻ đi học là 1 mặc cảm ngu dốt, đần độn.
Thứ ba, nghĩ mình là 1 gánh nặng, với trẻ đi học thì là 1 sự tủi hổ của cha mẹ về cái sự học kém của mình.
Thứ tư, thường suy nghĩ về cái chết và cách thức tự sát
Nếu cả 4 câu trả lời đều là “yes” thì là rất nguy hiểm: ý tưởng toan tự sát đã và đang hình thành.
Thứ năm, cho rằng nếu mình chết đi thì gia đình mình sẽ tốt hơn. Với trẻ đi học thì cho rằng khi mình chết đi thì cha mẹ không còn phải xấu hổ về mình nữa.
Nếu câu thứ 5 cũng được trả lời là YES thì là 1 báo động đỏ, nguy cơ tự sát đến rất gần. Cần được can thiệp y khoa khẩn cấp – BS Hiển cho biết.
Đặc biệt nếu người trầm cảm tỏ ra bình tĩnh khác thường, tươi tỉnh hơn 1 chút, không còn khóc lóc thì đây là dấu hiệu rất nguy hiểm vì khi ấy người trầm cảm dường như đã chọn lấy 1 quyết định kinh khủng sau 1 thời gian suy nghĩ nghiền ngẫm.
BS Hiển cũng cho biết với trẻ đi học, nếu từng có “ý tưởng trả thù” cha mẹ, để cha mẹ phải khổ sở và ăn năn suốt đời thì sẽ dễ có ý định toan tự sát mãnh liệt hơn và dễ đưa đến hành động tự sát.
Khánh Chi